Loại thuốc quen nào có thể ngừa được Covid-19 nặng?
Nghiên cứu mới về Covid-19 vừa được trình bày tại hội nghị thường niên Anesthesiology 2022 vừa diễn ra tại Mỹ.
Theo Medical Xpress, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi bác sĩ Ettore Crimi từ Trường đại học Trung tâm Florida ở Orlando - Mỹ chứng minh rằng thói quen uống thuốc trị cholesterol cao đều đặn khi được chỉ định có thể giúp giảm nguy cơ tử vong đến 37% cho dù phải đối diện với chủng Covid-19 nguy hiểm hay bản thân người bệnh thuộc đối tượng nguy cơ.
Ngoài ra, thuốc cũng có lợi nếu ứng dụng như biện pháp dự phòng cho người không bị cholesterol cao nhưng có hệ miễn dịch dễ "nổi loạn" vì các bệnh lý hay vấn đề sức khỏe khác, vốn gây nguy hiểm khi mắc Covid-19.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã phân tích hồ sơ y tế của gần 39.000 bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 để đi đến kết quả trên. Nhiều người trong số họ từng dùng statin thường xuyên, một loại thuốc rấ phổ biến được chỉ định cho người có cholesterol cao.
Các nhà khoa học phân tích, dù thuộc đối tượng nguy cơ, những người có dùng statin này giảm mạnh rủi ro bị chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt (do bệnh trở nặng) hoặc hình thành huyết khối, hoặc phải điều trị lâu dài vì những di chứng sau cơn bệnh cấp tính.
Phát hiện một lần nữa khẳng định cơ sở khoa học của lời khuyên rằng ngoài các biện pháp tấn công trực tiếp vào Covid-19 như vắc-xin, thuốc kháng virus, đừng quên các thuốc điều trị bệnh nền.
Đặc biệt, thuốc cũng phát huy một tác dụng ngoài dự tính đó là "hạ hỏa" hệ miễn dịch đối với các bệnh nhân gặp biến chứng hiếm nhưng nguy hiểm: Hệ miễn dịch hoạt động thái quá và gây hại ngược lại cho cơ thể, có thể gây khó thở, tổn thương phổi, thận, tim, não, mạch máu...
Trong tình huống này, statin dường như giúp hệ miễn dịch tự kiểm soát lại, đưa hoạt động trở về quỹ đạo, từ đó không làm hại các hệ cơ quan nữa.
"Nghiên cứu này cho thấy tầm quan trọng của việc đánh giá các loại thuốc có thể được sử dụng lại để giúp bệnh nhân theo những cách khác với mục đích sử dụng ban đầu", bác sĩ Crimi nói
Vị bác sĩ này còn cho biết, kết quả này cũng chỉ ra statin là một giải pháp bổ sung hiệu quả về chi phí nhằm chống lại mức độ nghiêm trọng của Covid-19 ở một số đối tượng nguy cơ, nhất là những người có vấn đề ở hệ tim mạch hay hệ miễn dịch, nên là mục tiêu của các nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng sắp tới.
Vắc-xin dạng xịt có là vũ khí lợi hại chống Covid-19?
Hiện nay, trên thế giới có nhiều loại vắc-xin phòng Covid-19. Tại Việt Nam đã có 8 loại vắc-xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Các loại vắc-xin được phê duyệt sử dung hiện nay gồm: AstraZeneca, Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V), Vero Cell, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, Vắc-xin Spikevax (Tên khác là Moderna), vắc-xin Janssen, vắc-xin Hayat-Vax và vắc-xin Abdala.
Trên thế giới không chỉ có vắc-xin dạng tiêm mà còn có vắc-xin phòng Covid-19 dạng xịt dùng đường mũi, họng vẫn được coi là một vũ khí lợi hại chống dịch bệnh trong tương lai dù kết quả thử nghiệm lâm sàng gần đây của AstraZeneca không thực sự thành công như mong đợi.
Đi vào cơ thể người tương tự cách mà virus SARS-CoV-2 xâm nhập, vắc-xin dùng đường mũi nhằm tạo khả năng miễn dịch trong màng nhầy ở mũi và miệng.
Điều này giúp ngăn chặn nguy cơ nhiễm bệnh ngay từ hệ hô hấp ngoài và cũng giúp giảm nguy cơ người nhiễm bệnh tiếp tục lây lan cho người khác.
Vắc-xin dùng đường mũi vì thế được tin là bước đột phá lớn so với việc dùng vắc-xin để tiêm trên cánh tay.
Cách làm truyền thống này đã phát huy hiệu quả tốt trong ngăn chặn nguy cơ bệnh nặng nhưng lại chưa thực sự hiệu quả trong ngăn chặn bệnh lây lan.
Theo số liệu táng trước, Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 mà không dùng bằng đường tiêm, theo đó xông qua mũi và miệng bằng một thiết bị đặc biệt.
Tiếp đó, Ấn Độ cũng cấp phép một loại vắc-xin dùng đường mũi họng nội địa.
Tuần trước, các nhà nghiên cứu đã công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 dạng xịt mũi đơn giản của AstraZeneca.
Tuy nhiên, kết quả chỉ ra vắc-xin chỉ kích thích sản sinh kháng thể màng nhầy ở nhóm nhỏ các tình nguyện viên tham gia, phản ứng miễn dịch cũng yếu hơn so với việc sử dụng vắc-xin tiêm. Nghiên cứu đăng trên tạp chí eBioMedicine.
Theo chuyên gia Sandy Douglas từ Đại học Oxford, trưởng nhóm nghiên cứu lâm sàng, vắc-xin dạng xịt không mang lại hiệu quả như mong đợi. Điều này rất khác với dữ liệu thử nghiệm được Trung Quốc công bố và nhiều khả năng là do vắc-xin tại Trung Quốc được đưa vào sâu trong phổi nhờ thiết bị đặc dụng hơn.
Qua các nghiên cứu việc chỉ sử dụng vắc-xin xịt đơn giản khiến hầu hết vắc-xin cuối cùng bị nuốt vào bụng (thay vì đi vào hệ hô hấp) và bị tiêu hóa trong dạ dày.
Từ những ứng dụng thực tế, chuyên gia virus học Connor Bamford tại Đại học Queen ở Belfast cho biết, điều quan trọng là không quá thất vọng về kết quả này mà cần tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân vì sao vắc-xin dùng đường mũi chưa phát huy hiệu quả, từ đó tìm ra cách phát triển phiên bản mới hiệu quả hơn.
Trúc Chi (theo Người Lao Động, VietNam+)