Tăng cường phòng chống sốt xuất huyết
Trong bối cảnh dịch này đang "nóng" lên từng ngày, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 20 về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố.
Chỉ thị nêu rõ, phải đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; chủ động, quyết liệt, tập trung xử lý các ổ dịch không để lan rộng, kéo dài; hạn chế thấp nhất số ca mắc, tình trạng bệnh nhân chuyển nặng tử vong. Chỉ thị cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã của Thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Tinh thần chung là không để dịch bệnh bùng phát, không để dịch chồng dịch.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã có Công văn số 4953/SYT-NVY gửi các cơ sở KCB trong và ngoài công lập; CDC Hà Nội; TTYT quận, huyện, thị xã về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Thống kê đầy đủ các ca bệnh và triển khai các biện pháp chủ động phòng, chông dịch, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát. Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc, tham mưu giải pháp khắc phục; tổ chức tốt việc khám bệnh, phân độ, phân tuyến, chuyển tuyến người bệnh sốt xuất huyết.
Các bệnh viện sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Đảm bảo cung ứng thuốc, máu và chế phẩm của máu, trang thiết bị, nhân lực cho công tác cấp cứu, điều trị người bệnh sốt xuất huyết. Tăng cường theo dõi người bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt người bệnh đang nằm nội trú để phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo, chuyển độ điều trị kịp thời hoặc chuyển lên tuyến trên.
Tổ chức bình bệnh án, kiểm thảo tử vong, báo cáo Sở Y tế những ca bệnh tử vong do sốt xuất huyết để rút kinh nghiệm kịp thời. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của các khoa…
Bài thuốc hay hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết tại nhà
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây nên. Bệnh lây theo đường máu, trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes Aegypti.
Sốt xuất huyết thuộc phạm vi chứng "Ôn dịch" hoặc "Dịch chẩn" của Y học cổ truyền.
Các dấu hiệu sốt xuất huyết nặng và có biến chứng cần được nhập viện sớm:
Mệt lả, bứt rứt.
Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.
Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.
Nôn ói nhiều.
Đau bụng nhiều.
Không ăn uống được.
Tay chân lạnh, ẩm.
Không tiểu trên 6 giờ.
Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo...
Sau đây là một số điểm cần lưu ý theo dõi sức khỏe và điều trị tại nhà bằng Đông Tây y kết hợp:
Hạ sốt đúng cách: Thuốc hạ sốt thường dùng là paracetamol 10-15 mg/kg cân nặng, cách 4-6 tiếng khi sốt trên 38,5 độ C.
Lưu ý: Một số thuốc hạ sốt chống chỉ định dùng trong sốt xuất huyết như ibuprofen, aspirin (thuốc làm tăng nguy cơ sốc và giảm tiểu cầu là một trong các biến chứng dễ gây tử vong do sốt xuất huyết).
Việc dùng các liệu pháp hạ sốt cơ học, các thuốc đông y hợp lý giúp bệnh nhân nhanh cắt sốt và hạn chế nguy cơ biến chứng nặng.
Bài thuốc nam độc vị trị sốt bằng cây nhọ nồi: Nhọ nồi tươi 30 gam lấy toàn bộ phần cây trên mặt đất, rửa sạch, giã nát, uống sống, hoặc đun sôi uống ấm, uống thay nước, bã đắp vùng trán khi sốt, chườm nước ấm vùng trán, nách bẹn.
Công dụng: Cây nhọ nồi có vị ngọt, chua, tính mát, vào kinh can, kinh thận; có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, tư âm, cầm máu, bổ can thận. Dùng trong sốt xuất huyết giai đoạn vệ, khí - tương đương giai đoạn khởi phát và toàn phát của bệnh.
Bài thuốc nam bằng bột sắn dây: Chúng ta cần 15 gam sắn dây, pha uống ấm với đường và 200 ml nước, ngày uống 2 lần.
Công dụng: Cát căn (sắn dây củ) vị ngọt, cay, tính mát qui kinh phế, tỳ, vị. Trị chứng sốt, mất nước đặc biệt sốt xuất huyết. Cát căn làm cho thoái nhiệt, sinh tân tiêu khát, còn có tác dụng giải cơ chữa đau mỏi các khớp, cơ bắp do sốt xuất huyết gây ra.
Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời sống, VOV)