Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cứ 100g rau muống chứa 90% nước, 3g chất xơ, 3g protein, vitamin C, vitamin E, chất béo, khoáng chất như sắt, kẽm, magie…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia đông y, người bị viêm đau, nhức khớp, bệnh gout (thống phong) và các viêm nhiễm đường tiết niệu thận do sỏi, huyết áp cao không nên ăn nhiều rau muống vì sẽ khiến tình trạng bệnh thêm nặng hơn, các cơn đau dai dẳng, khó chịu hơn.
Ngoài ra, người sử dụng rau muống cần chú ý những vấn đề sau:
Ăn rau muống sống hoặc chưa chín kỹ: Nhiều người thích ăn món rau muống chẻ hoặc xào tái. Tuy nhiên, rau muống, đặc biệt khi trồng thủy sinh, có thể chứa sán lá ruột lớn và nhiều loại kí sinh trùng khác. Nếu ăn rau muống còn sống hoặc chưa được nấu chín có thể bị nhiễm sán hoặc đưa ký sinh trùng vào cơ thể.
Ăn rau muống khi đang có vết thương hở: Những người có vết thương hở trên da không nên ăn rau muống bởi chúng kích thích tăng sinh tế bào. Điều này sẽ dẫn đến sẹo lồi làm mất thẩm mỹ.
Ăn rau muống khi bị suy nhược: Những người suy nhược cơ thể nặng, thể hư hàn cũng không nên ăn rau muống vì có thể làm tình trạng bệnh thêm nặng.
Ăn rau muống khi uống thuốc đông y: Với nhiều thầy thuốc y học cổ truyền, họ thường yêu cầu người bệnh phải kiêng ăn rau muống. Rau muống sẽ làm giã thuốc, nhất là khi trong thuốc có vị độc cần thiết để chữa bệnh (độc trị độc) và sẽ làm giảm hiệu quả điều trị.
Ăn rau muống trái mùa: Mùa rau muống thường có nhiều vụ hè. Tuy nhiên, hiện nay, rau muống được trồng quanh năm, ngay cả khi thời tiết không phù hợp. Nhiều nơi, người trồng sử dụng các loại thuốc kích thích, thuốc trừ sâu để giúp rau muống trái vụ trông vẫn đẹp.
Cách chọn rau muống an toàn:
Theo lời khuyên từ các chuyên gia, người tiêu dùng nên chọn rau muống có độ tốt vừa phải, thân nhỏ, lá nhỏ, màu xanh bình thường, nhìn chung sẽ an toàn cho người ăn.
Không nên chọn những mớ rau có cọng quá to, lá óng xanh mướt. Đặc biệt khi rửa rau mà thấy nổi lên nhiều bong bóng là chắc chắn rau có nhiễm hóa chất nước rửa bát, chất tẩy rửa.
Minh Hồng (Tổng Hợp)