Hôm nay 21/7, Hội thảo khoa học Quản lý đất đai toàn quốc lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề: “Quản lý và sử dụng tài nguyên đất thích ứng với biến đổi khí hậu” tiếp tục diễn ra ngày thứ 2 tại TP. Huế.
Hội thảo do trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn để việc quản lý đất đai có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Sau phiên khai mạc, hội thảo đã diễn ra phiên toàn thể với 3 báo cáo tham luận.
Trong đó đáng chú ý là bài tham luận “Sạt lở bờ biển và biến động đường bờ biển tại miền Trung: Trường hợp cửa biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên - Huế” do PGS.TS Nguyễn Hữu Ngữ - Trưởng khoa Tài nguyên đất và Môi trường nông nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế trình bày.
Theo phân tích của nhóm nghiên cứu tại khu vực dọc bờ biển thuộc xã Hải Dương và phường Thuận An (TP.Huế), những nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu gây sạt lở bờ biển là do kết cấu bờ biển có độ gắn kết kém, không chống đỡ được tác động của sóng và dòng chảy lớn; Dạng bờ thoáng, kết hợp với sự gia tăng bão, lũ dẫn đến tăng cường độ, áp lực sóng.
Bên cạnh đó, còn do sự thiếu hụt bồi tích trên nền chìm ngập và thiếu hụt nguồn bồi tích ở khu bờ do sự mất cân bằng bùn cát khi vận chuyển dòng bồi tích dọc bờ. Các công trình xây dựng thượng nguồn sông làm giảm lượng bùn cát vận chuyển về bồi đắp cửa sông, biển. Ngoài ra, nguyên nhân của sạt lở còn do sự thay đổi dòng chảy sóng do sự xuất hiện của các công trình chống sạt lở dẫn đến sạt lở cục bộ tại một số địa điểm.
Từ đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Ngữ đã đề xuất 2 nhóm giải pháp để khắc phục, chống sạt lở. Đặc biệt, theo nhóm giải pháp công trình, PGS.TS Ngữ đề xuất cần trồng rừng ngập mặn chống sóng, trồng rừng phòng hộ giữ cát ở phía ngoài bãi biển; Nuôi bãi nhân tạo bằng cách đưa cát từ nơi khác đến bồi vào vùng bị xói sạt; Xây dựng đê chắn sóng từ ngoài bờ và song song với đường bờ dạng đê nhô hoặc đê ngầm; Tiếp tục xây dựng hệ thống đê mỏ hàn hình chữ T nhằm ngăn dòng bùn cát dọc bờ và giảm sóng ở những khu vực không ảnh hưởng đến phát triển du lịch.
Đồng thời, đầu tư các công trình chống lũ chính vụ, lũ tiểu mãn, lũ sớm và lũ muộn như ổn định tăng khả năng thoát lũ các cửa sông; hệ thống hồ chứa thượng nguồn cắt lũ. Nâng cấp hệ thống đê bao ngăn mặn chống lũ đã có; Trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc để giảm tốc độ dòng chảy của lũ và chống xói mòn.
“Ngoài ra, cần tổ chức theo dõi diễn biến sạt lở bờ biển về quy mô, cường độ, hướng dịch chuyển theo định kỳ và không theo định kỳ. Xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm soát sạt lở theo từng địa bàn cụ thể. Tất cả các thông tin về sạt lở phải được cập nhật thường xuyên, phải được phân tích, đánh giá tổng hợp để cảnh báo kịp thời…”, PGS.TS Nguyễn Hữu Ngữ nhấn mạnh thêm.
Nằm trong chương trình hội thảo, cùng ngày, các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã đi thực tế tại đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và một số di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Năm 2025, trường Đại học Cần Thơ sẽ là đơn vị đăng cai Hội thảo khoa học Quản lý đất đai toàn quốc lần thứ 3.
Hội thảo khoa học Quản lý đất đai toàn quốc lần thứ 2 năm 2024 có sự tham gia của trên 250 đại biểu với 132 báo cáo khoa học.
PGS.TS Trần Thanh Đức - Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế trưởng Ban tổ chức cho biết, hội thảo lần này có 2 mục tiêu chính: Thứ nhất, là diễn đàn cho các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên từ các trường đại học, viện nghiên cứu trình bày, trao đổi các kết quả nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng đất trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Thứ hai, đây cũng là cơ hội giao lưu học tập, chia sẻ kinh nghiệm đồng thời thúc đẩy việc kết nối và hợp tác giữa các đơn vị có đào tạo quản lý đất đai và tài nguyên môi trường trong cả nước: Là dịp gặp gỡ, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đặc biệt việc triển khai Luật Đất đai năm 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Lê Kông