Từ cuối năm 2017 đến nay, thị trường bất động sản TP.Đà Nẵng có dấu hiệu chậm lại, biên độ chênh giữa cung và cầu có dấu hiệu tăng cao.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là quy luật tất yếu sau một thời gian dài "sốt" của thị trường bất động sản TP.Đà Nẵng. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu cân nhắc lựa chọn chủ đầu tư uy tín, các sản phẩm và dự án có đầy đủ tiêu chuẩn pháp lý để tránh rủi ro.
Nhận định về tình trạng “sốt bong bóng bất động sản” này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, sau một thời gian "sốt bong bóng", thị trường bất động sản TP.Đà Nẵng đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó, câu hỏi có giữ được vai trò “đầu tàu" của thị trường bất động sản miền Trung hay không được nhiều người quan tâm.
Theo ông Đính, từ sự phát triển của bất động sản, tại TP.Đà Nẵng xuất hiện hàng loạt sàn giao dịch và môi giới bất động sản ra đời. Điều này là hợp với quy luật, là đáp ứng nhu cầu kết nối cung - cầu của thị trường. Tuy nhiên, nếu người làm môi giới và sàn giao dịch không tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc nghiệp vụ về thị trường, về sản phẩm, khách hàng… tất yếu sẽ làm xuất hiện thị trường ảo, tạo nguy cơ "bong bóng" bất động sản và gây rủi ro cao cho các nhà phân phối, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản và rộng hơn là cả nền kinh tế.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc sở Xây dựng TP.Đà Nẵng nhìn nhận, tốc độ phát triển các dự án bất động sản ở nhiều địa phương trong cả nước đang có dấu hiệu chậm lại. Tuy nhiên, phần lớn các dự án bất động sản tại TP.Đà Nẵng vẫn đang được triển khai theo đúng tiến độ.
Địa phương hiện có khoảng hơn 50 dự án bất động sản đã và đang triển khai. Tổng số căn hộ, nhà ở liền kề, biệt thự khoảng hơn 50.000 căn với nhiều nhà đầu tư lớn như Vinacapital, Alphanam Luxury, SunGroup, Trung Nam, Hoà Bình, An Thịnh, Vingroup…
Chú trọng hơn đến yếu tố bền vững cho bất động sản TP.Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò đồng thuận của xã hội đối với sự phát triển của thị trường và các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.
Theo ông Ngọc, bất động sản muốn phát triển bền vững yêu cầu đầu tiên là phải bền vững trong lòng nhân dân. Hãy làm cho sự thành công, thắng lợi của nhà đầu tư bất động sản cũng phải là thành công, thắng lợi của người dân có đất bị thu hồi do giải tỏa thưc hiện dự án.
Đồng quan điểm, TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích thêm rằng, đặc điểm thị trường bất động sản TP. Đà Nẵng là phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng, nhưng đảm bảo chuẩn dịch vụ toàn cầu, vượt trội. Do đó, muốn phát triển bền vững, bất động sản phải xanh, phải bền vững và tồn tại với thời gian. Phải gắn với các lớp tích văn hóa, lịch sử địa phương. Nhất là công năng thân thiện, gắn với dịch vụ. Đặc biệt là cần chú ý đáp ứng dịch vụ đối với tầng lớp trung lưu, giàu có.
"Bên cạnh đó, TP.Đà Nẵng cần có công trình mang dấu ấn tiêu biểu, xanh tiêu biểu. Định hướng vượt lên trở thành thành phố đáng sống, nơi sống của các chuyên gia, tri thức toàn cầu thì giá trị bất động sản mới gia tăng. Chúng ta cần có tầm nhìn trong quy hoạch. TP.Đà Nẵng đang gặp khó khăn, sau thời gian tăng trưởng nhanh thì hiện chững lại. Vậy làm thế nào để TP.Đà Nẵng bứt lên, đó là bài toán cho Đà Nẵng, miền Trung và cả nước ”, vị chuyên gia nói.