Không nên bảo thủ nữa
Sau hơn một năm triển khai tuyến xe buýt nhanh số một Kim Mã - Yên Nghĩa (BRT) thì BRT dường như vẫn “kén” khách. Mới đây nhiều người giật mình khi xem đoạn video quay lại cảnh người dân xuống dắt xe máy đi ngược chiều trên vỉa hè để tránh tắc đường tại phố Tố Hữu (Hà Nội) lan truyền trên mạng xã hội.
Trong đoạn video, ở phía bên kia đường, xe máy cũng chen chúc trên vỉa hè, trong khi 1/3 lòng đường phải bỏ trống để dành riêng cho xe buýt nhanh.
Từ đây có nhiều ý kiến cho rằng, giao thông Hà Nội nên “khai tử” tuyến buýt này để tránh ùn tắc giao thông. Trước vấn đề đang gây nhiều tranh cãi này chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng giao thông Hà Nội đang bảo thủ và “cố đấm ăn xôi”.
“Vấn đề về buýt BRT đã được nói khá nhiều, nói ngay từ lúc mà dự án bắt đầu được triển khai. Theo tôi, cách tốt nhất nên cho BRT chạy thành xe buýt thường và người dân được quyền đi vào làn đó. Bởi thực ra hiện giờ BRT chạy không khác gì xe buýt thường.
Tôi đã đi khảo sát rất nhiều lần, BRT rất hiện đại, chỉn chu hơn xe buýt thường nhưng khách thì lại không có. Giờ bình thường khách hàng không ngồi hết nghế, giờ cao điểm cũng chỉ khoảng 30-40 người. Trong khi đó BRT đang chiếm một làn đường như vậy. Giao thông Hà Nội không nên bảo thủ nữa, mà phải sớm cho BRT chạy như xe buýt thường và vài ba năm nữa khi lượng người đi tăng lên thì chúng ta lại sử dụng một làn đường riêng dành cho BRT”, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy phân tích.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy còn cho biết thêm, nếu nhìn một cách tổng thể, làn đường bên cạnh BRT đang bị ùn tắc. Mặc dù người dân có góp ý, chuyên gia có góp ý rất lâu rồi nhưng cơ quan quản lý vẫn cứ khăng khăng bảo vệ ý kiến của họ.
Giao thông Hà Nội nói đây là đề án nghìn tỷ, phải để hoạt động, dành riêng không gian cho BRT, để BRT hoạt động có hiệu quả. Thế nhưng, nếu có một tầm nhìn, đầu óc chiến lược thì không thấy có hiệu quả khi đã chạy được hơn 1 năm nay.
“Tôi nghĩ không ép người dân đi riêng nữa mà để dân đi hòa vào làn đường dành riêng cho BRT sẽ giảm được ùn tắc và mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Trong tương lai nếu cần thiết thì lại trở lại BRT”, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nêu quan điểm.
Lý do của việc không hiệu quả
Trao đổi thêm với PV, TS Đinh Thị Thanh Bình, ĐH Giao thông Vận tải, cũng cho biết: “Nếu nói “khai tử” BRT thì hơi sớm, vì đây là tuyến buýt nhanh mới đi vào hoạt động. Chúng ta chỉ đang nhìn thấy hệ thống giao thông nó như một vòng luẩn quẩn. Nếu giao thông vận tải công cộng phát triển mới giảm thiểu được phương tiện cơ giới cá nhân, giảm thiểu ùn tắc giao thông. Vì phương tiện cá nhân chiếm đa số nên vận tải công cộng vận hành tuyến riêng mới thấy bất cập, không khả thi và nó không hiệu quả là chuyện dĩ nhiên”.
Theo TS Đinh Thị Thanh Bình, tuyến buýt nhanh lượng khách ít dù đã triển khai được hơn một năm, nhưng vì mới có một tuyến, khách đi chủ yếu là người có điểm đầu và điểm cuối (điểm đi và điểm đến) họ không phải trung chuyển.
Với những người phải chuyển họ sẽ không sử dụng nhiều vì nó không thuận tiện, nó đơn độc. Dù dịch vụ tốt nhưng cũng chỉ phục vụ hành khách trên một đoạn đường.
Hơn nữa, trên đoạn đường Tố Hữu (Hà Nội) gần như là độc đạo, phân luồng giao thông đi ra chỗ khác cũng không thể. Trong khi đó, độ dày đặc, ùn ứ lại, từ nút này lan sang nút khác.
Vì vậy, nếu có đề án phát triển vận tải công cộng, nó cũng cần có đủ năng lực, đồng bộ để chở đa số hành khách, một cách thuận tiện. Có như vậy người dân mới dần bỏ phương tiện cá nhân và đường mới thông thoáng.