Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế hiện nay chủ trương này khó thể mang lại kết quả như ý, thậm chí nếu thực hiện quyết liệt sẽ đẩy gánh nặng lớn lên đầu người dân và các doanh nghiệp.
Nguy cơ thâm hụt ngân sách rất cao
Mới đây vào ngày 10/10, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo thông tin tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - Ngân sách Nhà nước (NSNN). Theo số liệu được công bố, tổng thu cân đối NSNN tháng 9 ước đạt 52.800 tỷ đồng, tăng khoảng 2.700 tỷ đồng (+5,4%) so với mức thực hiện tháng 8. Lũy kế đến hết tháng 9/2013, tổng thu NSNN ước đạt 543.835 tỷ đồng, bằng 66,6% dự toán, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2012. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái như hiện nay, việc tổng thu NSNN 9 tháng tăng so với cùng kỳ năm 2012 được nhiều người đánh giá là một thành công lớn.
Thâm hụt ngân sách tăng nhanh sẽ cản trở quá trình tái cơ cấu kinh tế.
Tuy nhiên, theo thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thì hàng năm, sau 9 tháng, thu ngân sách thường đạt trên dưới 80% dự toán, năm nay dù có tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2012 nhưng mới đạt được 66,6% dự toán đề ra. Bà Mai tỏ ra lo ngại: "Tình hình này có thể nói là rất gay và chúng tôi dự báo, năm nay không đạt dự toán thu ngân sách".
Cũng tại buổi họp báo, ông Cao Anh Tuấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong 9 tháng đầu năm, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước mới đạt 64,7% dự toán. Chỉ có 6/14 khoản thu đảm bảo tiến độ dự toán nhưng đều là những khoản thu nhỏ; 8/14 khoản thu còn lại không bảo đảm tiến độ thu. Trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước chỉ đạt 60,6% dự toán, thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 69,5% dự toán và thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt trên 64% dự toán. Theo ông Cao Anh Tuấn: "Nhiệm vụ thu nội địa trong 3 tháng cuối năm nay vô cùng nặng nề. Ngành tài chính nói chung, ngành thuế nói riêng đang nỗ lực hết sức để bảo đảm thu ở mức cao nhất chứ không dám chắc là có hoàn thành nhiệm vụ hay không".
Trước thực trạng này, bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã gửi thư tới bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp, chỉ đạo thu ngân sách trên địa bàn. Tổng cục Thuế đã thành lập Ban chỉ đạo Chống thất thu, chống nợ đọng; thành lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra phát hiện ra những nguồn thu còn bỏ ngỏ hoặc thu chưa đủ để thu vào ngân sách; chỉ đạo các cục thuế địa phương rà soát các nguồn thu và lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Tăng thu liệu có đạt như mong đợi?
Chỉ đạo là vậy, tuy nhiên nguy cơ không hoàn thành việc thu NSNN rất cao. Theo phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế lập luận thì tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa có gì sáng sủa. Số liệu của cơ quan thuế các địa phương cho thấy, hiện chỉ có 21,3% số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh là có kê khai thuế giá trị gia tăng. Như vậy, số doanh nghiệp còn lại không phát sinh doanh số là do tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Bà Mai cho rằng, bộ Tài chính đang tính toán, cân nhắc nhiều giải pháp để cố gắng không để khoảng cách thu chi dãn quá rộng.
Đánh giá về thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng với bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang hết sức khó khăn ở thời điểm hiện tại, việc thu NSNN tăng so với cùng kỳ năm ngoái đã là một cố gắng lớn đối với doanh nghiệp. Chính vì vậy, nếu chúng ta siết chặt hơn nữa công tác thu thuế, truy thu các doanh nghiệp còn nợ thuế đây có thể là một biện pháp tăng thu NSNN nhưng lại đẩy doanh nghiệp vào thế khó.
Bàn về vấn đề này, TS. Đinh Xuân Thảo - viện trưởng viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: "Rõ ràng tình hình ngân sách hiện nay đang rất khó khăn. Quốc hội hàng năm đều có nghị quyết về định mức thu - chi và chúng ta luôn ở trong tình trạng bội chi, nhất là trong tình hình năm nay cho đến giờ phút này và sang năm đều rất khó khăn. Trong những năm trước khi tình hình kinh tế khó khăn, Quốc hội đã quyết cho việc tạm hoãn, giãn, miễn các khoản nợ thuế, nhưng hiện nay kinh tế đang có sự phục hồi và nói chung có những doanh nghiệp làm ăn có lãi.
TS.Đinh Xuân Thảo.
Thực tế qua kiểm tra, giám sát có những doanh nghiệp nói thẳng, họ có khả năng có đủ sức đóng nhưng nhìn dọc, nhìn ngang thấy những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ không đóng thuế được thì họ cũng không đóng. Trong khi đó, các doanh nghiệp phải thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách thì Nhà nước mới có nguồn thu để đảm bảo cho phát triển. Cho nên chủ trương tận dụng các nguồn thu là cần thiết và tất nhiên cũng phải xem xét trường hợp cụ thể".
TS. Thảo phân tích rằng, trước đây nguồn thu của Trung ương chủ yếu dựa vào dầu khí, xuất khẩu và các địa phương chủ yếu dựa vào đất đai. Nhưng hiện tại thị trường BĐS đóng băng, nguồn lực đất đai ở các địa phương đã khai thác cạn kiệt nên nguồn thu càng giảm sút. Xuất khẩu cũng đang gặp khó khăn khi trong 3 năm vừa qua, lĩnh vực nông nghiệp xuất khẩu liên tục tăng nhưng đến năm nay thì giảm sút lớn. Trong khi đó, muốn phấn đấu cho đến năm 2015, bình quân mức tăng đạt 6% mà trong 2014 phải tăng cho được 4,8% thì phải có ngân sách chi cho đầu tư phát triển. Ông Thảo cho rằng, tăng nguồn thu là giải pháp khả quan và sẽ mang đến kết quả, dù nhiều hay ít chứ không phải không thực hiện được, dù còn phải xem xét vào trường hợp cụ thể. Đồng thời, phải cắt giảm và hạn chế những khoản chi không cần thiết.
"Chúng ta có thể đi vay nước ngoài nhưng cũng chỉ ở mức độ thôi. Hiện nay tiềm lực, nguồn lực trong dân về tài chính dân cư khá lớn nhưng khả năng và chính sách thu hút nguồn lực đó còn hạn chế. Điều này liên quan đến trách nhiệm của cơ quan thuế. Nếu cơ quan thuế ở các tỉnh, địa phương quyết tâm thực hiện việc thu tốt thì sẽ đảm bảo chỉ tiêu và định mức đặt ra. Tất nhiên không thể cào bằng tất cả mà phải dựa theo khảo sát, đánh giá kết quả điều tra của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế", TS. Thảo nói.
Hạn chế chi tiêu là thượng sách?
Theo nhiều chuyên gian kinh tế, để giữ được nguồn thu và giảm tình trạng bội chi phải sử dụng nhiều giải pháp mang tính tổng hợp. Tăng thu là điều tất yếu nhưng những biện pháp giảm chi như thực hành tiết kiệm chống lãng phí, cắt giảm biên chế dôi dư là cần thiết. Ngay từ chủ trương của Hội nghị Trung ương 7, nghị quyết đại hội đã đưa ra từ nay cho đến năm 2016 không tăng biên chế và chỉ bù đắp những biên chế nghỉ hưu. Đây là một biện pháp tích cực, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước.
Ông Thảo cho biết: "Trong các dự án đầu tư và ngay cả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhu cầu về ngân sách, kinh phí đầu tư đều rất lớn nhưng do tình hình kinh tế khó khăn nên Chính phủ đều phải cắt giảm các khoản chi để không quá dàn trải, tốn kém mà hiệu quả không đạt được. Chúng ta phải "liệu cơm gắp mắm", làm sao cân đối giữa thu - chi cho hợp lý. Nói chung để giải quyết tình trạng bội chi thì phải có những giải pháp đồng bộ và phải được Quốc hội xem xét, thảo luận cụ thể".
Trinh Phúc - Thanh Loan