Nhanh chóng chinh phục cộng đồng mạng – những người sử dụng ứng dụng OTT (Over The Top) nhưng cũng nhanh chóng bộc lộ nhiều “góc khuất”, đó là những gì mà “cơn lốc” Zalo để lộ trong thời gian qua.
Trước vấn đề này, ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc trung tâm Đào tạo Quản trị và An ninh mạng Athena đã đưa ra góc nhìn của mình.
Theo ông Thắng, hiện nay, số lượng người sử dụng Zalo rất lớn nhưng Zalo chưa có bộ phận bảo vệ người tiêu dùng, chưa có chính sách kiểm soát nội dung thông tin và chưa thông báo rộng rãi các kênh liên lạc để khi có sự cố thì người tiêu dùng thông báo hỗ trợ.
Ông Thắng còn cho biết thêm, song song đó, việc hạn chế số tuổi để tham gia vào mạng lưới Zalo đối với trẻ em cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hiện tượng lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi ấu dâm đã xuất hiện, trong đó có rất nhiều trẻ em là nạn nhân.
“Tuy chưa có con số thống kê hiện tượng này trên mạng Zalo nhưng chúng ta cũng cần cảnh báo sớm để hạn chế các rủi ro có thể xẩy ra”, ông Thắng nhấn mạnh.
Zalo có nhiều “lỗ hổng” như vậy nhưng tại sao lượng người dùng vẫn tăng mạnh? Phải chăng Zalo đã biết được “điểm yếu” của người sử dụng? Trước câu hỏi, ông Thắng cho hay: “Zalo marketing tốt và sản phẩm Việt thì chỉ có Zalo. Điều đáng lo ngại nhất là công ty “mẹ” của Zalo và đối tác đang giữ 50% cổ phần là một công ty Trung Quốc và đối tác ấy sẽ hiểu, sẽ biết, sẽ kiểm soát thông tin của dân Việt trên mạng Zalo”.
Nhắc tới việc nhiều người dùng Zalo đã vô tình biến mình thành “con mồi” của các đối tượng đồi trụy, ông Thắng một lần nữa khẳng định: “Vấn đề ở đây, Zalo không có cơ chế để bảo vệ người dùng nên nhiều người sử dụng bị thiệt hại mà không biết nên hỏi ai”.
Và để tìm lối đi thông minh cho người dùng Việt trước "cơn lốc" mạng xã hội như hiện tại, ông Thắng cho rằng chúng ta nên học một khóa về an toàn thông tin. Bởi lẽ, những khóa học như thế sẽ chỉ cho chúng ta biết phần nào những cạm bẫy trên Internet.
“Giống như chúng ta phải học luật an toàn giao thông khi đi ra đường. Bên cạnh đó, Nhà nước cần yêu cầu các nhà cung cấp phải có cơ chế bảo vệ người dùng, nếu vi phạm thì phạt nặng. Ở Châu Âu, Châu Mỹ, các nhà mạng như Facebook, WhatsApp cũng đã từng bị phạt và buộc phải công khai hướng dẫn để người sử dụng an toàn”, ông Võ Đỗ Thắng nói.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng đặt ra vấn đề về việc một số mạng xã hội như Facebook không có sự kiểm soát nên nhiều doanh nghiệp "chết" vì tin tức giả mạo.
Nguyễn Huệ
Xem thêm: Sử dụng Zalo, người dùng có nguy cơ lộ thông tin cá nhân