Trong những tháng đầu năm 2024, trước sự biến động liên tục của giá vàng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã không ngừng có những chỉ đạo sát sao nhằm ổn định thị trường vàng.
Thời gian qua, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%.
Chính vì vậy, NHNN đã ra thông báo dừng đấu thầu vàng miếng, thay vào đó thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank, để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân kể từ ngày 3/6 tới đây. Mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới về mức phù hợp và bền vững.
Trên thị trường, ngay sau thông tin của NHNN, sáng hôm nay (30/5), giá vàng trong nước giảm mạnh gần 3 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Cụ thể, Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC giảm 3,8 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 2,3 triệu đồng lượng đối với chiều bán ra so với phiên hôm trước, được niêm yết ở mức mua vào 84,5 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 88 triệu đồng/lượng.
Tại DOJI, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức mua vào 84,5 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 87 triệu đồng/lượng, giảm 3,8 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 2,9 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên hôm trước.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), nhận định, giá vàng trong nước hiện tại dù giảm nhưng vẫn đang chênh lệch khá nhiều với giá vàng quốc tế.
Đồng thời, giá vàng giảm là bình thường do vấn đề tâm lý. Một số nhà đầu tư trước đó trữ nhiều vàng miếng, lo sợ giá vàng miếng giảm nên bán ra để mua tiền mặt, vàng nhẫn.
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho rằng, việc NHNN quyết định bán vàng cho ngân hàng quốc doanh là kịp thời và dũng cảm.
Ông Phong cho rằng, về nguyên tắc, để việc bán vàng trực tiếp tới người dân qua các ngân hàng quốc doanh đạt hiệu quả, cần khai thác hệ thống mạng lưới khắp cả nước, mở rộng điểm giao dịch, cho người dân tự do trong giao dịch và thuận tiện trong vấn đề lựa chọn nơi mua.
Đồng thời, giá bán ra phải rất thấp. Nhà nước không nên coi chuyện bán ra như kinh doanh lấy lãi mà cần đặt mục tiêu bình ổn tâm lý và đưa giá trong nước sát với thị trường lên hàng đầu.
“Cần lựa chọn mức giá mà ngay lập tức có thể gây ra “cú sốc” giá, để mọi người ngừng hoạt động mua lại. Cần mạnh dạn để mức giá thấp nhất có thể, chỉ đảm bảo nguồn chi phí để tạo sức ép ra thị trường, buộc người đang ôm vàng phải bán ra, giúp Nhà nước giảm bớt động tác nhập khẩu vàng”, ông Phong nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần quy định ngân hàng bán ra không rộng quá biên độ %, không có chuyện độc quyền giá thấp, bán ra giá cao. Và cuối cùng, nên tự do hóa việc nhập nguyên liệu sản xuất vàng trang sức để nguồn cung tăng lên.
Đồng quan điểm với ông Phong, ông Khánh nhận định, việc NHNN bán vàng trực tiếp qua 4 ngân hàng quốc doanh là dấu hiệu tích cực, góp phần tăng nguồn cung vàng miếng ra thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, việc bán vàng qua 4 ngân hàng quốc doanh vẫn cần đi vào thực tiễn mới có thể rõ kết quả được.
“NHNN sẽ bán vàng chênh lệch bao nhiêu với cơ sở giá vàng quốc tế? Số lượng vàng mà NHNN cung ứng cho các ngân hàng quốc doanh có đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường hay không?
Giá phân phối cho các ngân hàng thương mại nhà nước thế nào? Nhóm ngân hàng quốc doanh mua lại từ NHNN rồi bán ra thế nào? Biên độ lãi bao nhiêu? Tôi cho rằng NHNN sẽ ấn định biên độ, để không được lãi quá nhiều”, ông Khánh chia sẻ.
Ngoài ra, việc các ngân hàng Big4 trực tiếp bán vàng tới người dân cũng sẽ không ảnh hưởng gì tới nhóm doanh nghiệp vàng bạc trang sức bởi họ vẫn có lượng khách hàng riêng, đồng thời vẫn mua bán vàng theo giá chủ đạo là giá quốc doanh.
Chiều 29/5, sau phần thảo luận kinh tế - xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.
Về thị trường vàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, giá vàng tăng cao, biến động phức tạp cũng là diễn biến chung của các nước trên thế giới chứ không riêng ở Việt Nam.
Trong nước, giá vàng diễn biến phức tạp và diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế nới rộng, đặc biệt là vàng SJC.
"Để thu hẹp chênh lệch giá vàng là một nhiệm vụ rất thách thức. Bởi chúng ta thực hiện trong điều kiện giá vàng quốc tế liên tục biến động cao và phức tạp", bà Hồng nói và cho biết Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tăng cung vàng ra thị trường và thực hiện đấu thầu.
Việc kế thừa cách làm đấu thầu từ năm 2013 với kỳ vọng tăng cung vàng ra thị trường và giá cũng giảm dần. Tuy nhiên, qua 9 phiên đấu thầu thì chênh lệch giá giảm không được như kỳ vọng nên đã dừng đấu thầu.
Ngân hàng Nhà nước đã đánh giá tình hình, tìm ra các nguyên nhân và xây dựng một phương án mới, bắt đầu triển khai trong tuần tới để giảm chênh lệch giá vàng trong thời gian tới.