Hội Luật Gia Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức Hội thảo: "Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công" sáng ngày 23/8.
Tiến độ cổ phần hoá DNNN còn chậm
Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ chia sẻ giai đoạn 2016 – 2020, Đảng và Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách liên quan đến sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Thế nhưng trên thực tế, vị chuyên gia cho biết tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm so với kế hoạch đề ra. Cổ phần hóa, thoái vốn chỉ đạt 30% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2016-2020. Từ 2021 đến nay, tiến độ còn chậm hơn so với giai đoạn 2016-2020.
Do gặp nhiều vướng mắc, một số Tập đoàn, Tổng Công ty quy mô lớn đến nay vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để tiến hành các bước tiếp theo của cổ phần hóa như các Tập đoàn: Than- Khoáng sản, Bưu chính Viễn thông, Hóa chất; các Tổng công ty: Mobifone, Lương thực Miền Bắc; Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn…
Ông Dũng Sỹ cho rằng các quy định hiện hành về xác định giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ) khi cổ phần hoá doanh nghiệp đã trở thành lực cản của quá trình cổ phần hoá ở một số khía cạnh.
Thứ nhất, việc phân định thành các trường hợp giao đất, cho thuê đất rất phức tạp, khó khả thi. Đặc biệt là các trường hợp phải xác định giá trị QSDĐ đất để tính vào giá trị thực tế của doanh nghiệp.
Thứ hai, điểm vướng mắc nhất hiện nay là khi doanh nghiệp cổ phần hoá phải xây dựng phương án sử dụng đất và phê duyệt phương án sử dụng đất mà giá trị QSDĐ phải tính vào giá trị thực tế của doanh nghiệp.
Hầu hết các DNNN chậm hoặc không cổ phần hoá được đều do bị tắc ở khâu phê duyệt phương án sử dụng đất trong trường hợp giá trị QSDĐ được tính vào giá trị thực tế của doanh nghiệp.
Thứ ba, còn nhiều quy định trong các nghị định chưa thực sự rõ ràng, nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà, kéo dài quá trình cổ phần hoá.
Có trường hợp tư lợi cá nhân sau khi cổ phần hoá
Cũng chia sẻ về vấn đề trên, TS. Trần Lệ Thu - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng nêu rõ đất đai là một trong những tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp khi tiến hành sản xuất, kinh doanh.
Các DNNN phải cổ phần hoá thường có quy mô lớn, sử dụng diện tích đất lớn, do đó việc sắp xếp nhà đất là một quy trình phức tạp, thường gặp nhiều vấn đề như tham nhũng, lãng phí đất đai.
Đầu tiên, bà Thu cho biết việc định giá đất theo Luật Đất đai 2013 còn chưa sát với giá thị trường, giá trị quyền sử dụng đất thấp hơn nhiều lần so với giá trị thực tế đã gây thất thoát NSNN, qua đó gây nên vấn đề tư lợi cá nhân sau khi cổ phần hoá.
Không chỉ vậy, việc tính giá đất không được công khai cũng tạo ra kẽ hở để các doanh nghiệp sau cổ phần lợi dụng trục lợi tài sản.
Sau khi cổ phần hoá, vẫn xảy ra tình trạng phương án sử dụng đất sau cổ phần hoá không phù hợp với nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dẫn đến việc các doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng khiến đất bị hoang hoá.
Ngoài ra, cũng xảy ra trường hợp phương án sử dụng đất được lập, được phê duyệt nhưng do quá trình cổ phần hoá kéo dài dẫn đến tình trạng đến khi cổ phần hoá xong thì lại không còn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương.
Trong một trường hợp khác, nhiều doanh nghiệp đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất không thông báo với cơ quan nhà nước hay sử dụng đất không đúng với phương án sử dụng đất đã được phê duyệt.
Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai sau cổ phần hoá cũng còn nhiều tồn tại như xây dựng bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất chưa đảm bảo theo quy định; chưa xây dựng hoặc chậm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất; doanh nghiệp chậm nộp tiền thuê đất, tiền sử dụng đất…
Bà Thu cho rằng việc vi phạm và thất thoát tài sản công, đặc biệt là vi phạm và lãng phí đất đai sau khi cổ phần hoá DNNN xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống pháp luật về quản lý đất đai sau cổ phần hoá còn chưa đồng bộ, tồn tại nhiều kẽ hở.
"Việc sử dụng đất của các DNNN chịu sự điều chỉnh của nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật đầu tư, Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Điều này vô hình chung đã tạo ra nhiều rào cản đối với các doanh nghiệp khi sử dụng đất sau khi cổ phần hoá", bà Thu nói.
Cần hoàn thiện đồng bộ các Luật
Để giải quyết các vấn đề tồn đọng trên, TS. Trần Lệ Thu cho rằng Luật Đất đai năm 2024 ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 được kì vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian tiến hành cổ phần hoá doanh nghiệp.
Các quy định về bảng giá đất, quản lý đất đai cụ thể hơn, sát với tình hình của thị trường hơn sẽ hạn chế tình trạng tham nhũng, lãng phí đất đai cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quyền sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hoá.
Bổ sung thêm, PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ nhận định để thúc đẩy quá trình sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn DNNN nhanh hơn, hiệu quả hơn thì cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh, sau đó là ban hành các nghị định mới thay thế một số nghị định liên quan khác về cổ phần hoá DNNN.
Theo đó, ông Dũng nêu cần tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, gắn liền với quy định rõ quyền và trách nhiệm (bao gồm cả chế tài) của các cơ quan, người có thẩm quyền để đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá DNNN trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cần chọn lọc, chỉ giữ lại một số DNNN được coi là then chốt của nền kinh tế, giữ vai trò chi phối và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế thì Nhà nước cần nắm giữ trên 50% cổ phần chi phối, còn lại nên cổ phần hoá 100% hoặc Nhà nước chỉ nắm dưới 50% hoặc dưới 35% cổ phần.
Đồng thời, sau khi DNNN đã cổ phần hoá và trở thành công ty cổ phần thì quyền sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, bình đẳng như các công ty cổ phần được thành lập và thuê đất của Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Trong trường hợp Nhà nước còn nắm giữ cổ phần tại công ty cổ phần thì Nhà nước cũng phải bình đẳng với các cổ đông khác.
Về mặt hành chính, ông Sỹ cho rằng Thủ tướng cần giao các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trực tiếp, kể cả trách nhiệm kỷ luật rất cụ thể nếu triển khai kế hoạch cổ phần hoá các DNNN thuộc ngành, địa phương không đúng tiến độ hoặc để thất thoát tài sản nhà nước.
Hồng Nhung - Hoàng Bích - Hữu Thắng