Ái ngại "thần tượng bẩn"
Những ngày qua, thông tin về hai hiện tượng mạng DMT, Khá Bảnh làm mưa làm gió trên mạng đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Nội dung clip của những tài khoản này là hình ảnh các tay “anh chị”, người xăm trổ ăn nhậu, hút thuốc cùng vô số lời văng tục chửi bậy, thậm chí thách thức, dằn mặt đánh chém lẫn nhau kiểu giang hồ. Hầu hết, người dùng mạng đều bày tỏ sự bức xúc, trước những hành động vô cùng phản cảm của những nhân vật này, khi họ được đông đảo giới trẻ đón nhận, tung hô như ngôi sao.
Trước thông tin này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena.
Việc mạng xã hội facebook, youtube ngày càng phát triển, khiến cho ai muốn đăng gì lên cũng được, như hiện tượng Khá Bảnh và Dương Minh Tuyền thời gian gần đây. Theo ông điều này gây ra hệ lụy gì cho giới trẻ thưa ông?
Facebook là mạng xã hội, nên người dùng có những chiêu trò đăng thông tin để tăng lượt thu hút. Trong những chiêu trò đó, có những cá nhân sử dụng những trò một cách phản cảm, không phù hợp với truyền thống văn hóa cũng như nền tảng giáo dục của chúng ta, với mục đích để tăng view, sự tò mò của mọi người. Từ đó tạo nên hiện tượng khác biệt để nổi tiếng.
Những hành vi như: Đốt xe, chửi thề trên mạng là những hành vi vô cùng phản cảm, không đúng theo nếp sống văn hóa, có giáo dục. Vì thế, nếu không kiểm soát được những hành vi này, để những thông tin này lan truyền thì sẽ trở thành một hiện tượng không tốt cho xã hội, tác động đến giới trẻ, làm cho giới trẻ suy nghĩ lệch lạc: Nếu họ muốn nổi tiếng, thì họ phải làm những hành vi như vậy thay vì những hoạt động lao động, quá trình tích lũy, hay đóng góp thực sự cho sự phát triển của xã hội. Nếu giới trẻ học theo những điều đó thì cực kỳ nguy hiểm.
Theo ông, việc kiếm tiền thu lợi nhuận trên facebook hay youtube có “khủng” hay không để khiến giới trẻ đua theo, a dua theo việc phải làm những video nào đấy để thực sự hot, thu hút người dùng thậm chí bất chấp thuần phong mỹ tục?
Theo tôi, những người đó kiếm tiền không “khủng” từ facebook hoặc youtube. Họ nói là họ kiếm tiền “khủng” nhưng tôi được biết là không “khủng”. Khi họ tạo ra những video có số lượng người xem nhiều thì sức ảnh hưởng của họ với cộng đồng mới lớn. Từ đó, họ mới có sức ảnh hưởng đến doanh nghiệp hoặc đối tác đang kinh doanh ví dụ như: Online, viral, livestream để bán hàng hoặc dùng hình ảnh của cá nhân nổi tiếng đó để quảng cáo du lịch, thăm thú nhà hàng, khách sạn…
Từ đó, nhân vật nổi tiếng mạng này mới có thu nhập, hoặc những chủ doanh nghiệp này muốn tận dụng sự nổi tiếng, hình ảnh của những người này để tăng sự tò mò của cộng đồng.
Việc xuất hiện “giang hồ online” có ảnh hưởng như thế nào tới giới trẻ? Ông có lo ngại điều gì trong việc giới trẻ ngày càng không phân biệt được đâu là thần tượng thực sự và đâu là “thần tượng bẩn”?
Thật sự ra đó là hiện tượng rất đáng lo ngại. Nếu giới trẻ cứ học đòi làm theo những thần tượng đó thì cực kỳ nguy hiểm. Ví dụ những “thần tượng” chửi nhau trên mạng, tổ chức đánh nhau hoặc đập phá, giới trẻ cũng làm theo. Vô hình chung, khi làm theo như vậy thì giới trẻ đã làm mình trở nên không phân biệt đâu là hành động đúng sai.
Lên án sự lố bịch
Theo ông, những nhà sáng tạo ra các trang mạng xã hội này có phải chịu trách nhiệm trọng việc giúp phát tán những hành động xấu, hình ảnh xấu đến cộng đồng và giới trẻ hay không?
Tôi cho rằng, Việt Nam cần tăng cường văn hoá phản biện từ những tổ chức bảo vệ an toàn internet, đánh giá mức độ hình ảnh, clip đó có đúng với thuần phong mỹ tục hay không, có ảnh hưởng đến lối sống giới trẻ hay không. Và lúc đó, đề nghị gỡ bỏ những trang độc hại đó, thậm chí đề nghị các cá nhân không làm và đăng tải nội dung cấm.
Việt Nam đã có luật an ninh mạng, những kênh youtube của Khá Bảnh hay Dương Minh Tuyền có nhiều người đăng ký nhưng chưa có hướng xử lý nào. Thật ra, cơ quan chức năng chỉ tham gia khi có dấu hiệu phạm tội hoặc vi phạm pháp luật.
Ví dụ có tổ chức đánh bạc hoặc sử dụng ma túy thì cơ quan chức năng mới có cơ sở để vào cuộc. Còn những hiện tượng không vi phạm pháp luật thì luật này không áp dụng được. Vấn đề ở đây là những tổ chức dân sự, những nhà bình luận, những nhà quan sát internet và cộng đồng phải lên tiếng. Điều này sẽ làm lụi đi những chiêu trò xấu, khi được cảnh báo thì những chiêu trò đó sẽ không còn tác dụng.
Đồng thời, những cơ quan chức năng cần đưa ra nhận xét hoặc đánh giá để định hướng dư luận cho giới trẻ thấy được những nguy cơ tiềm ẩn để họ không mắc phải và học theo.
Xin cảm ơn ông!
Nghe audio: Luật sư phân tích hành động đập phá của giới trẻ
Thái Phương - Hà My