Những ngày qua, thời tiết nắng nóng gay gắt khiến người dân bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, thậm chí nền nhiệt ngoài trời theo dự báo có lúc lên đến 40 độ C. Nhiều người cho rằng mới đầu mùa nắng nóng đã gay gắt như vậy không biết tình hình thời tiết mùa hè năm nay có biến động thế nào?
Trước những thắc mắc này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm dự báo khí tượng Thuỷ văn Quốc gia.
Theo đó, đánh giá về đợt nắng nóng đã và đang diễn ra ở miền Bắc, ông Hưởng cho biết: “Theo thống kê của chúng tôi, năm 2013 nắng nóng xuất hiện diện rộng vào ngày 20/4, từ ngày 4/4 nắng nóng xuất hiện xấp xỉ diện rộng. Năm 2014 nắng nóng diện rộng bắt đầu từ ngày 19/4. Năm 2015 nắng nóng diện rộng bắt đầu từ ngày 18/4. Năm 2016 nắng nóng diện rộng bắt đầu từ ngày 6/4. Năm 2017 nắng nóng diện rộng bắt đầu từ ngày 9/4; năm 2018 vào tháng 4 chưa xảy ra nắng nóng.
Như vậy, có thể thấy nắng nóng năm nay ở các tỉnh phía Bắc xuất hiện ở khu vực phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung hầu hết xuất hiện từ nửa cuối tháng 4, một số năm có thể xuất hiện sớm trước ngày 10/4.
Nếu xét như vậy, thì đợt nắng nóng diện rộng diễn ra ở Tây Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung từ ngày 19-22/4 là phù hợp với quy luật. Tuy nhiên, cường độ của nó lại diễn ra mạnh mẽ khu vực Tây Bắc Bộ nhiệt độ từ 36-39 độ, ở các tỉnh miền Trung xảy ra nắng nóng gay gắt trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 37-40 độ.
Một số nơi còn có nhiệt độ cao hơn như có nhiệt độ cao trên 41 độ như: Mường La (Sơn La) 42.0 độ, Phù Yên (Sơn La) 41.7 độ, Hòa Bình 41.1 độ (cao hơn mức lịch sử năm 2016 là 40,5 độ), Con Cuông (Nghệ An) 42.0 độ, Quỳ Châu (Nghệ An) 41.3 độ, Tương Dương (Nghệ An) 42.0 độ, Tây Hiếu (Nghệ An) 42.2 độ, Đô Lương (Nghệ An) 41.5 độ, Hương Khê (Hà Tĩnh) 43.4 độ (cao hơn mức lịch sử năm 2007 là 42 độ), Tuyên Hóa (Quảng Bình) 43.0 độ (cao hơn mức lịch sử là 41,4 độ năm 2007).
Trước đó, vào hồi đầu năm, tại hội nghị biến đổi khí hậu diễn ra ở Ba Lan, các chuyên gia cũng đưa ra nhận định năm 2019 có thể là năm nắng nóng kỷ lục. Dự báo về mùa hè năm nay ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hưởng nói: “Theo nhận định năm nay, El Nino yếu sẽ quay trở lại.Tuy nhiên, cường độ El Nino được nhận định không quá mạnh và thời gian khả năng cũng không kéo dài, do đó mức độ tác động của hiện tượng này đến thời tiết Việt Nam không thực sự rõ rệt.
Tuy nhiên, theo nhận định thì nền nhiệt độ trung bình các tháng mùa hè năm nay có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ khoảng 0,5-1,0 độ. Với nền nhiệt độ được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm thì nhiệt độ trong các đợt nắng nóng cũng nhiều khả năng đạt mức cao, có thể lên tới 39-42 độ. Cũng không ngoại trừ một số điểm sẽ có nhiệt độ cao vượt giá trị lịch sử".
"Các đợt nắng nóng có khả năng tập trung nhiều trong tháng 4 và 5 ở phía Tây Bắc Bộ, từ tháng 5-6 ở phía Đông Bắc Bộ, từ tháng 4-8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ. Tuy nhiên, việc dự báo và xác định cường độ những đợt nắng nóng chỉ có thể dự báo trong khoảng thời gian trước từ 2-4 ngày, do vậy dự báo mùa chỉ dự báo nền nhiệt độ trung bình”, ông Hướng nhận định.
Cũng nhận định về tình hình mùa mưa bão năm 2019, ông Hưởng cho hay, mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2019 có khả năng ít hơn so vớitrung bình nhiều năm.
“Cụ thể, có khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ trong những tháng nửa cuối năm 2019. Tuy số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông thấp hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng cần đề phòng khả năng xuất hiện của những cơn bão mạnh và có quỹ đạo phức tạp. Nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá, đặc biệt là thời kỳ giao mùa từ nửa cuối tháng 4 đến tháng 5/2019 trên phạm vi toàn quốc”, ông Hưởng nhấn mạnh.