Ngô Quốc Duy là một trong những gương mặt trẻ tài năng trong giới kỹ xảo Việt. Từ bé, Duy đã có niềm đam mê với phim và kỹ xảo. Nhưng để chinh phục được ước mơ trở thành một chuyên gia kỹ xảo như bây giờ, chàng trai Sài thành đã vượt qua rất nhiều cung bậc thử thách từ quay phim, dựng phim, viết kịch bản,… Thời điểm đó, Duy vẫn mày mò tự làm kỹ xảo cho một số cảnh quay nhỏ trong phim, thế rồi anh quyết tâm theo đuổi.
Chặng đường 7 năm trong ngành kỹ xảo đã giúp cái tên Ngô Quốc Duy ghi dấu ấn với nhiều bộ phim điện ảnh nổi tiếng như: Đoạt hồn, Ngày nảy ngày nay, Siêu trộm, Quyên, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Cô gái đến từ hôm qua,… Hiện tại, Quốc Duy đã có công ty kỹ xảo riêng của mình.
Trong cuộc trò chuyện với báo Người Đưa Tin, chuyên gia kỹ xảo Ngô Quốc Duy lần đầu tiên bật mí những điều thú vị về công việc mà anh đang theo đuổi.
Nhiều bộ phim mang đến thành công và danh tiếng cho cả đạo diễn lẫn diễn viên không chỉ bởi diễn xuất, nội dung hấp dẫn mà còn bởi kỹ xảo đẹp mắt. Vậy, yếu tố kỹ xảo đóng vai trò quan trọng thế nào để tạo nên một bộ phim hấp dẫn?
Tôi cho rằng, muốn làm nên món ăn ngon phải có nhiều yếu tố như nguyên liệu, cách chế biến, tay nghề đầu bếp, gia vị... Trong một bộ phim, kỹ xảo cũng đóng vai trò giống như gia vị.
Nếu gia vị góp phần tăng thêm hương vị cho món ăn, thì kỹ xảo cũng tăng thêm sự hấp dẫn cho bộ phim. Làm kỹ xảo có thể chỉ là thay một bầu trời, hoặc xóa biểu hiện nhỏ trên một tòa nhà, đưa một đoàn người vào một bối cảnh. Hầu như các phim hiện nay đều sử dụng hiệu ứng kỹ xảo, từ phim tình cảm lãng mạn đến phim bom tấn siêu anh hùng, chỉ khác nhau là hiệu ứng kỹ xảo được sử dụng như thế nào.
Ví dụ, phim truyền hình The Wolf of Wall Street (2013) không có cảnh cháy nổ, không có siêu anh hùng sẽ không ai nghĩ phim này sẽ cần đến kỹ xảo. Nhưng thật ra, vì nhiều bối cảnh không thể quay thật, hoặc tốn kém hơn nếu so với sử dụng hiệu ứng kỹ xảo hoặc để tăng cường ý đồ của đạo diễn, nhiều cảnh trong phim được dựng hoàn toàn từ các phần mềm 3D và được ghép vào khéo léo đến mức người xem không thể nhận ra.
Thời gian qua, có khá nhiều phim điện ảnh Việt như: Ngày nảy ngày nay, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Tốc độ đường cong,… đều gây ấn tượng bởi kỹ xảo và góc quay đẹp. Là người trong nghề, anh hãy chia sẻ câu chuyện hậu trường thực hiện các cảnh quay kỹ xảo vô cùng hoành tráng, ấn tượng trên phim?
Với dự án Tấm Cám: Chuyện chưa kể, tôi từng tham gia cùng với đội Cyclo Animation để thực hiện kỹ xảo. Ngay từ đầu đạo diễn Ngô Thanh Vân đã xác định đây là một bộ phim rất nặng về kỹ xảo, nên đã hết mình hỗ trợ cho cả đội. VFX Supervisor (giám sát kỹ xảo) cho phim là anh Nguyễn Anh Việt đã đi theo đoàn phim hơn 2 tháng rất vất cả để giám sát việc ghi hình.
Việc này rất quan trọng vì nếu tổ quay không hiểu ý tổ kỹ xảo thì khi quay xong, hình ảnh đưa về để xử lý kỹ xảo sẽ rất khó khăn, đôi khi là không thể làm được và sẽ phải quay lại. Sau 2 tháng ghi hình các bối cảnh từ Bắc chí Nam, Cyclo có 4 tháng để thực hiện hơn 1.000 cảnh có kỹ xảo, áp lực rất lớn, nhưng cuối cùng thì mọi người cũng đã vượt qua.
Xem video:
Có ý kiến cho rằng, các nhà làm phim hiện nay đang dựa dẫm quá nhiều vào khâu kỹ xảo mà lười tìm bối cảnh thực, dẫn đến hình ảnh trên phim không thực như mong muốn?
Điều này là không đúng. Trong làm phim có 3 giai đoạn lớn, đó là tiền kỳ, sản xuất và hậu kỳ. Giai đoạn tiền kỳ là khi các nhà làm phim xem xét lại kịch bản, tìm diễn viên, tìm bối cảnh... Khi gặp một bối cảnh khó, nhà sản xuất phải lựa chọn giữa việc thay đổi bối cảnh khác, điều này ít nhiều cũng thay đổi kịch bản, hoặc xây dựng lại bối cảnh đó hoặc đưa đội kỹ xảo để thực hiện. Quyết định của họ như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào kinh phí của phim có cho phép hay không. Làm phim không ai lười cả, chỉ là kinh phí có cho phép hay không thôi.
Còn việc lạm dụng kỹ xảo, như đã nói ở trên, kỹ xảo chỉ đóng vai trò là gia vị cho bộ phim, câu chuyện vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng thật ra, những phim có doanh thu cao nhất lại là những phim sử dụng kỹ xảo nhiều nhất. Vì ít hay nhiều, khán giả vẫn thích một bộ phim đưa họ vào thế giới kỳ ảo, mặc dù sau khi xem họ có thể chê bai thậm tệ nội dung của phim.
Vậy chi phí cho khâu thực hiện các cảnh quay kỹ xảo tốn kém như thế nào?
Thật ra, mức độ kỹ xảo của phim Việt Nam vẫn chưa được như mong muốn, phần lớn là vì kinh phí còn eo hẹp. Kinh phí thực hiện kỹ xảo ở Hollywood có thể lên đến hơn một nửa tổng kinh phí của phim đó, nghĩa là bỏ ra hàng chục triệu USD riêng cho phần kỹ xảo. Nhưng, ở Việt Nam, một bộ phim có tổng kinh phí hơn 20 tỷ (chưa đầy 1 triệu USD) đã được xem là kinh phí lớn. Điều này cũng dễ hiểu, vì phim Việt Nam có doanh thu cao nhất hiện nay cũng chỉ khoảng 165 tỷ đồng (tương đương hơn 7 triệu USD), thế nên các nhà đầu tư không thể bỏ ra kinh phí cao được.
Nếu trong tương lai gần, phim Việt may mắn bứt phá so với thế giới, mở ra thị trường mới và doanh thu cao hơn, kinh phí đầu tư cho các bộ phim cũng sẽ nhiều hơn. Khi đó, quỹ dành cho kỹ xảo sẽ nhiều hơn và những bộ phim của chúng ta sẽ tốt hơn trong tương lai.
Liệu rằng, với chất lượng kỹ xảo của Việt Nam hiện nay đã "đua" kịp với kỹ xảo thế giới?
Người Việt mình rất giỏi, lâu nay đã có các công ty Việt Nam thực hiện gia công kỹ xảo cho các phim bom tấn Hollywood rồi, chẳng qua là họ kín tiếng với thị trường trong nước mà thôi. Tôi có thể tự tin nói rằng, nếu thời gian và kinh phí cho phép, Việt Nam cũng đủ sức để làm một phim có kỹ xảo ngang ngửa với bom tấn Hollywood.
Cảm ơn Quốc Duy về cuộc trò chuyện thú vị này!