Chuyên gia lên tiếng về siêu dự án 2,8 tỷ USD lấy 5% diện tích TP.HCM

Chuyên gia lên tiếng về siêu dự án 2,8 tỷ USD lấy 5% diện tích TP.HCM

Nguyễn Thị Lành

Nguyễn Thị Lành

Thứ 2, 23/10/2017 10:42

Theo đề xuất, để triển khai dự án, chủ đầu tư kiến nghị được đổi 5% diện tích đất toàn TP.HCM. Vừa mới ở giai đoạn đầu, nhưng dự án này được các chuyên gia cho là chưa khả thi.

Đổi đất lấy hạ tầng

Theo lãnh đạo tập đoàn Tuần Châu, ý tưởng thực hiện siêu dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn được đề xuất từ tháng 2/2017. Theo đó, siêu dự án bao gồm: Thành phố mới New City tại huyện Củ Chi, Đại lộ ven sông Sài Gòn nối từ quận 1 về huyện Củ Chi, dự án Hồ cảnh quan trung tâm thành phố mới tại Củ Chi, dự án Sài Gòn Marina City và hải cảng hải sản Cần Giờ, dự án di chuyển chợ hóa chất Kim Biên quận 5.

Chủ đầu tư cho biết, tổng vốn đầu tư cho các dự án khoảng 630.500 tỷ đồng, trong đó, 50% vốn tự có của doanh nghiệp, còn lại huy động từ các đối tác bên ngoài. Đổi lại, tập đoàn Tuần Châu yêu cầu TP.HCM đối ứng cho doanh nghiệp 12.400 ha đất, tương đương 5% diện tích đất toàn TP.

Theo dự kiến, đoạn 1 của dự án có chiều dài 9,5km, sẽ được xây chui dưới các cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh), rồi đi vượt lên cầu Thanh Đa, tiếp tục chạy vượt trên cao ven kênh Thanh Đa qua cầu Bình Triệu (quận Bình Thạnh). Kế tiếp, đường đi theo ven sông Sài Gòn, chui dưới cầu Bình Lợi, giao cắt với cầu đường sắt Bình Lợi để chạy theo ven sông Sài Gòn đến sông Vàm Thuật (quận 12). Tiếp đó, đoạn 2 có chiều dài 54km, men theo sông Sài Gòn đến thị trấn Bến Súc thuộc huyện Củ Chi.

Nếu thành công, dự án sẽ giúp kết nối TP.HCM với huyện Củ Chi và các tỉnh lân cận. Để thực hiện dự án, TP. sẽ tận dụng quỹ đất bãi bồi ven sông, chiều dài 63km, tốc độ thông xe dự kiến sau khi hoàn thành khoảng 100km/giờ.

Theo dự kiến của chủ đầu tư, vì không vướng chuyện giải phóng mặt bằng nhiều nên thời gian thực hiện sẽ nhanh hơn. Ước tính, chủ đầu tư phối hợp cùng doanh nghiệp bất động sản khai thác quỹ đất thực hiện dự án trong vòng 18 tháng. Dự án hoàn thành mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân, có ý nghĩa trong sự phát triển kinh tế vùng Tây Bắc TP, kết nối các quốc lộ lớn như Quốc lộ 22, đường Xuyên Á, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) và tỉnh Long An.

Sau 4 tháng đề xuất, mới đây, trong văn bản cho ý kiến về dự án đổi đất lấy hạ tầng của tập đoàn Tuần Châu, cụ thể là dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn, bộ KH&ĐT cho rằng, TP.HCM cần yêu cầu tập đoàn Tuần Châu bổ sung các nội dung còn thiếu, như chứng minh năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự.

Đồng thời, bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, gồm nhiều hạng mục phức tạp như kết hợp giữa đại lộ với cầu vượt, nên đề nghị TP.HCM lấy ý kiến bộ Xây dựng về tính chính xác của tổng đầu tư đề xuất ban đầu. Và, việc xác định quỹ đất đối ứng để thanh toán cho Tuần Châu phải đảm bảo nguyên tắc ngang giá với chi phí xây dựng công trình.

Đầu tư - Chuyên gia lên tiếng về siêu dự án 2,8 tỷ USD lấy 5% diện tích TP.HCM

Phối cảnh dự án đại lộ ven sông Sài Gòn.

Yếu tố quan trọng là nhà đầu tư phải chứng minh được phương án tài chính khả thi. Cần chứng minh được khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn dự kiến, tiến độ huy động vốn, cam kết sẵn sàng cho vay của các bên cho vay để đảm bảo tính khả thi của dự án.

Bộ này cũng cho rằng, việc chủ đầu tư kiến nghị sử dụng 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư công để phục vụ thực hiện dự án như giải phóng mặt bằng, chi phí xây lắp, tư vấn là không đúng quy định. Vì theo quy định, vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình chỉ được sử dụng cho các dự án có hoạt động kinh doanh, chi phí từ người sử dụng khi khoản thu không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận của nhà đầu tư. Dự án sử dụng ngân sách trên 10.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng phải do bộ, ngành, địa phương đề xuất và phải được Quốc hội thông qua.

Mới chỉ… trên giấy

Xung quanh dự án nói trên, Chủ tịch tập đoàn Tuần Châu – ông Đào Hồng Tuyển cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, dự án chưa có bất cứ vấn đề nào trục trặc. Tập đoàn Tuần Châu sẽ quyết làm dự án. Trong quá trình xây dựng nghiên cứu tính khả thi trình các cấp có thẩm quyền, có một số chi tiết chưa phù hợp quy định hiện hành nên doanh nghiệp sẽ tính toán lại. Về nguồn vốn, hiện đã có 2 ngân hàng cam kết hỗ trợ, tài trợ 20.000 tỷ đồng, 4 tập đoàn đến từ Mỹ đã ký văn bản hợp tác hàng tỷ USD. 

Do quy mô nguồn vốn lớn nên phía Tuần Châu đã chuẩn bị thủ tục trình dự án lên Quốc hội. Cũng theo ông Tuyển, đến nay, đơn vị đã hợp nhất thiết bị và nhân lực thi công hàng đầu từ các công ty xây dựng để xây dựng phương án triển khai dự án khả thi thời gian tới.

Chia sẻ với PV, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết: “Dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn đã được nhắc tới từ đầu năm. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được cơ quan chức năng cho phép thực hiện. Việc xây dựng các đại lộ ven sông, đường cao tốc ven sông, ven biển đã được biết tới nhiều tại các nước phát triển từ  thập niên 70, nhưng sau đó phải điều chỉnh lại vì không phù hợp. Vì các dự án này lấy đi cơ hội của người dân trong việc thụ hưởng, tiếp cận không gian sống ven sông, ven biển. Hiện, dự án này vẫn chỉ là đề xuất, chưa có bản vẽ thiết kế cụ thể, rõ ràng nên chưa thể đánh giá chi tiết được”.

Đầu tư - Chuyên gia lên tiếng về siêu dự án 2,8 tỷ USD lấy 5% diện tích TP.HCM (Hình 2).

Dự án nối trung tâm quận 1 với huyện Củ Chi.

TS. kinh tế Hồ Ngọc Minh, đại học Hồng Bàng cho hay: “Dự án hiện vẫn chỉ trên giấy tờ. Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng rất đáng nghi ngờ. Vì khi thực hiện dự án, chủ đầu tư phải chứng minh được năng lực tài chính của mình,  phải có đủ 630.500 tỷ đồng gửi vào ngân hàng để chứng minh khả năng tài chính, thời gian hoàn thành dự án trong bao nhiêu năm, việc giao đất để thực hiện dự án là đất như thế nào, giá trị về khu đất được giao ra sao. Và, công trình thực hiện xong có thu phí người dân hay không, nếu thu phí thì thu trong bao lâu... Việc thực hiện siêu dự án cần phải được chứng minh chi tiết, rõ ràng chứ không thể đề xuất rồi để đó, giống như “tay không bắt giặc”.

Dự án “khủng”, mang tính đột phá

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, Đại lộ ven sông được xem là dự án “khủng” và là ý tưởng quy hoạch đột phá. Khi thực hiện, thời gian sẽ nhanh hơn vì tận dụng quỹ đất ven sông, tốn ít thời gian giải phóng mặt bằng. Hoàn thành xong, người dân lưu thông từ trung tâm quận 1 về huyện Củ Chi chỉ mất 40 phút.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.