Chia sẻ với PV, TS.Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) Vũ Thế Khanh sử dụng hình ảnh ví von “không thể đau bụng mà bôi thuốc đỏ vào chân là khỏi bệnh được” và khẳng định, cách thức quảng cáo chữa bệnh tâm linh của cô đồng ở Vĩnh Phúc là lừa đảo, mê tín dị đoan.
PV: Dưới góc độ nhà khoa học, ông đánh giá như thế nào về phương pháp chữa bệnh bằng tâm linh mà cô đồng ở Vĩnh Phúc khẳng định có thể chữa khỏi bệnh các bệnh ung thư, u não, thậm chí chữa khỏi Covid-19?
Vũ Thế Khanh: Qua thông tin báo chí phản ánh, tôi khẳng định trường hợp cô đồng chữa bệnh bằng tâm linh ở Vĩnh Phúc là lừa đảo, mê tín dị đoan.
Trước đây, UIA đã tiến hành khảo nghiệm hàng trăm trường hợp tự nhận là cô đồng, nhà ngoại cảm hay “thần y” nhưng kết quả cho thấy, trên 90% người là không có khả năng thực sự. Cùng với đó, những người này thường có cả ê-kíp đi kèm, trong đó một bộ phận không thể thiếu là “chân gỗ” để lòe bịp người dân. Hàng loạt những trường hợp mà chúng tôi “chỉ mặt, đặt tên” là lừa đảo, sau đó những trường hợp đó đã bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm.
Tôi cũng nhấn mạnh thêm, nếu ai đó tự quảng cáo có khả năng chữa khỏi bệnh nan y, thậm chí là Covid-19 thì người dân phải hết sức cảnh giác tránh tiền mất tật mang...
PV: Trên thực tế có tồn tại phương pháp chữa bệnh bằng tâm linh với những chứng cứ khoa học không, thưa ông?
Vũ Thế Khanh: Bệnh nào thuốc đó. Những căn bệnh như ung thư, u não, vô sinh…là dạng bệnh thực thể, không thể dùng phương pháp mang tính mê tín mà chữa khỏi mà cần đến y học hiện đại. Muốn chữa khỏi bệnh thì phải bắt đúng bệnh.
Hiện có 5 trường phái chữa bệnh đó là y học hiện đại, y học cổ truyền, y học dân gian, y học dưỡng sinh và y học tâm linh. Tuy nhiên, những bệnh thuộc về tâm linh mới ứng dụng y học tâm linh. Nếu dùng sai phương pháp sẽ phản tác dụng, hiểu nôm na là đau bụng mà bôi thuốc đỏ vào chân làm sao khỏi bệnh được. Y học tâm linh cũng chính là khoa học, không thể gán mê tín dị đoan vào tâm linh được. Y học tâm linh cũng có những đặc điểm, giới hạn và vị trí áp dụng chứ không thể mang bệnh này bệnh kia gán vào tâm linh.
Việc cô đồng quảng cáo có thể chữa khỏi bệnh nan y mà không cần giọt thuốc nào, chỉ bằng tâm linh là dạng ngộ nhận và bịp bợp. Tôi tái khẳng định một lần nữa, phương pháp chữa bệnh mà cô đồng ở Vĩnh Phúc nhắc đến là lừa đảo, trục lợi.
PV: Công an TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã vào cuộc và xem xét xử lý cô đồng chuyên “bắt tà ma, chữa bệnh Covid-19” ở Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, điều dư luận băn khoăn, vì sao ở nhiều địa phương vẫn tồn tại tình trạng “thần y” tự xưng, thưa ông?
Vũ Thế Khanh: Thời gian qua, lợi dụng tâm lý “có bệnh vái tứ phương”, cũng như sự cả tin của người dân, nhiều kẻ hám lợi, vô đạo đức, bất tài đã mạo danh là đồng cô, đồng cậu có thể chữa bệnh bằng tâm linh với mục đích “kiếm chác”. Thêm nữa, còn những người mê tín thì còn những cô đồng chữa bệnh bằng tâm linh tồn tại, còn những người thiếu hiểu biết về chăm sóc sức khỏe thì còn “lang băm”. Do đó, người dân phải tỉnh táo, tự cứu lấy mình không sập bẫy những người chữa bệnh tự xưng hoặc “thần y online”.
Theo tôi sở dĩ tồn tại những trường hợp như cô đồng ở Vĩnh Phúc là do sự buông lỏng quảng lý của chính quyền địa phương khiến những người này “tự tung, tự tác”. Theo đó để dẹp loạn “thần y”, cô đồng chữa bệnh bằng tâm linh, cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, ngành y tế. Theo tôi, các cơ quan chức năng nên có những chế tài nghiêm minh, chặt chẽ, coi những kẻ gắn mắc cô đồng, “thần y” để lừa gạt người dân giống như những kẻ làm hàng nhái, hàng giả, dù biết nhưng vẫn cố tình và xử lý về tội lừa đảo.
PV: Xin cảm ơn ông!