Ngày 9/5, ông Tăng Văn An, Trưởng phòng Dự báo, Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ cho biết, một vòng sáng xung quanh mặt trời xuất hiện trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vào ngày 7/5 và tại TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế vào trưa 9/5 là cùng một hiện tượng.
“Đây là hiện tượng quang học trong khí quyển có tính chất tức thời. Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ tăng, các lớp mây trên cao có cấu trúc tinh thể nên ánh sáng bị khúc xạ khiến quầng xuất hiện”, ông An giải thích, những tia sáng bị khúc xạ mạnh tạo thành một vòng tròn xung quanh mặt trời.
Theo ông An, có 2 loại quầng, gồm “quầng mặt trăng” xuất hiện vào ban đêm và “quầng mặt trời” xuất hiện vào ban ngày. Dân gian thường có câu “trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa” cũng là nói về hiện tượng như vậy.
“Tuy nhiên, hiện tượng này bình thường, không mang một điềm báo gì cả. Đây là thời điểm nắng nóng, ít mưa, khi hình thái thời tiết thay đổi thì hiện tượng đó sẽ khác đi”, ông An cho biết.
Khi “quầng mặt trời” xuất hiện phản ánh thời tiết tại địa phương đang tốt, không mưa, khô ráo, trời có nắng to. “Quầng mặt trời” có 7 màu như cầu vồng. Tuy nhiên, sự sắp xếp màu của quầng ngược lại với cầu vồng. Trong cùng là màu đỏ, tiếp đến là da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím.
Trước đó tại Nghệ An, hiện tượng một vòng sáng xung quanh mặt trời xuất hiện tại xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, đã khiến cho nhiều người dân rất tò mò và ngạc nhiên. Vào khoảng 11h ngày 9/5, một vòng sáng tương tự cũng xuất hiện tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo người dân địa phương, vòng sáng kể trên bắt đầu xuất hiện vào khoảng 10h cùng ngày và thời điểm hiện tại hiện tượng kỳ lạ này vẫn đang tiếp diễn. Cho rằng đây hiện tượng hiếm thấy, người dân đã dùng điện thoại để lưu giữ những bức ảnh mặt trời vào thời khắc trên để chia sẻ với bạn bè, người thân. Quầng mặt trời không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người và cũng không phải là điềm báo. Nhưng, việc xuất hiện giữa Đại lễ Phật Đản Huế khiến dân mạng bàn tán sôi nổi. |
Anh Ngọc
Xem thêm video: