Thời gian gần đây, nhiều fanpage, trong đó có những trang lớn, bỗng dưng biến mất không rõ nguyên nhân. Sự kiện gây xôn xao cộng đồng công nghệ và giới marketing. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có buổi trò chuyện với ông Lê Ngọc Sơn, nhà nghiên cứu về Truyền thông và Quản trị khủng hoảng, đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức.
Phóng viên: Thưa ông, thời gian gần đây, hàng loạt Fanpage có cả triệu lượt thích (Like) trên Facebook tại Việt Nam đột nhiên "biến mất" không rõ lý do. Ông có thể giải thích nguyên nhân?
Ông Lê Ngọc Sơn: Gần đây facebook đang có những thuật toán nhận diện bản quyền. Có thể đó là động thái cho thấy mạng xã hội này đang tập trung vào câu chuyện bảo vệ tác quyền và sở hữu trí tuệ trên môi trường ảo. Tôi cho rằng, đây là điểm yếu phổ biến của các fanpage của Việt Nam trong đó có cả các fanpage của các cơ quan báo chí. Bởi câu chuyện bản quyền chưa được chú trọng đúng mực, nói đúng hơn là sự mù mờ về câu chuyện này của người dùng. Việc tạo ra nội dung (content) cho fanpage đang làm rất sơ sài, vừa thiếu bản sắc, vừa mang tính cóp nhặt. Thông qua các thuật toán, các nội dung vi phạm sẽ bị phát hiện.
Ở ta, có một thời gian các page sử dụng các thủ thuật để mua và tăng lượt thích và người theo dõi ảo nhằm tạo cảm giác… “đẹp mắt”. Nhưng nay facebook cũng đã nói không với tình trạng đó.
Một hiện tượng không hiếm gặp ở môi trường mạng xã hội của ta là tình trạng sử dụng fanpage với mục đích tạo ra các thông tin giả (fake news) để kiếm lợi hoặc "đánh đấm" các đối thủ cạnh tranh… Những việc làm này đang bị Facebook siết chặt ở các nước châu Âu. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, điều này sẽ được Facebook làm mạnh ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Qua đó, cho thấy nguyên nhân chủ yếu một số fanpage tại Việt Nam bị đóng cửa trong thời gian qua có thể do vi phạm bản quyền, spam hoặc bị mất quyền admin vì không áp dụng bảo mật an toàn.
Phóng viên: Thực tế, người dùng hiện nay chia sẻ nhiều “thông tin bẩn”, thông tin vi phạm bản quyền, điều này ảnh hưởng thế nào đến lợi ích doanh nghiệp, đặc biệt những đơn vị kinh doanh “sạch” từ Facebook?
Ông Lê Ngọc Sơn: Những việc làm nêu trên, tôi tạm gọi là những hoạt động không lành mạnh trên môi trường mạng. Những việc làm đó chắc chắn bị cộng đồng tẩy chay vì nó vi phạm cả đạo đức lẫn luật pháp. Do đó, không có cớ gì Facebook lại không can thiệp vào các hành vi này.
Có rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin không lành mạnh trên môi trường mạng đối với đời sống: Thứ nhất, nó tạo ra những hoang tin làm cho người dùng hoang mang. Thứ hai, những kẻ xấu lợi dụng môi trường mạng để tung những tin đồn nhằm trục lợi. Thứ ba, xét về quy luật cung cầu, ngưỡng tiêu dùng thông tin chỉ có một mức nhất định, việc công chúng dành thời gian để “tiêu thụ” các thông tin không lành mạnh (được cố ý tạo ra bởi ai đó) sẽ làm giảm thời gian của họ đọc thông tin từ các nguồn tin cậy (như các tờ báo). Điều đó đồng nghĩa với việc, các tờ báo sẽ bị mất đi thị phần và khách hàng của mình.
Phóng viên: Là một chuyên gia về truyền thông và quản trị khủng hoảng, theo ông, người sử dụng cần có phương án nào để tránh việc bị khóa Facebook một cách oan uổng?
Ông Lê Ngọc Sơn: Rõ ràng, trong một môi trường mà mọi người có sự tương tác cao trên mạng xã hội thì, việc khoá một fanpage gây thiệt hại rất lớn cho những đơn vị sở hữu. Vì vậy, các đơn vị có sử dụng fanpage nên sử dụng các content do mình tạo ra, tránh copy từ nguồn khác (kể cả văn bản lẫn hình ảnh).
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng, việc dò tìm các page vi phạm là việc làm của các thuật toán, “robot”, nên khó tránh một số trường hợp hy hữu bị “đóng oan uổng”. Việc này, theo tôi, đại diện các fanpage cần liên lạc với Facebook để xử lý.
Ngoài ra, tôi nhấn mạnh việc quan trọng nhất vẫn là phải tạo ra được các content "bản sắc" riêng cho từng fanpage. Có sự riêng biệt, hấp dẫn, đồng nghĩa với việc sẽ lôi cuốn người theo dõi (followers), đồng thời tránh các rủi ro pháp lý liên quan đến bản quyền. Tôi cho rằng, mỗi page là một bộ mặt của cá nhân, doanh nghiệp sở hữu page đó. Do vậy, việc đầu tư vào fanpage là rất quan trọng. Người phụ trách fanpage phải là những người có khả năng tương tác tốt với đa dạng công chúng, nhằm duy trì và phát triển số lượng Fan. Tuyệt đối không dùng các thủ thuật để tăng lượng like ảo.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Huệ - Công Luân