Hôm nay bước sang ngày thứ 5, những người dân ở các quận huyện ngoại thành Hà Nội như Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Hoài Đức,... vẫn bất an, cuộc sống đảo lộn bởi nước sinh hoạt bốc mùi khét lẫn với mùi thuốc sát khuẩn clo trong nước sinh hoạt của mình.
Theo phản ánh của họ, đến nay họ vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào từ đơn vị cấp nguồn là Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco). Khi cơ quan quản lý chưa có kết quả xét nghiệm, nhiều người dân đã chuyển sang nước bình, nhất là nước đóng chai để đảm bảo nguồn nước sạch.
Trước thông tin này, TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA đã có chia sẻ với báo Giao thông về kiến thức ô nhiễm nước sinh hoạt qua “cảm quan về mùi” được tổng hợp từ một số nguồn tin cậy như đại học Georgia, Sở Y Tế Minessota ở Mỹ.
Cụ thể có 3 nhóm mùi từ nước và nguyên nhân mà chúng ta có thể gặp phải từ nước sinh hoạt.
Chất tẩy (bleach), hóa chất hoặc dược liệu
Các nhà cung cấp nước công cộng thường khử trùng nước bằng clo để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Mức clo tự do thường có trong nước uống từ hệ thống nước công cộng là 0,2 - 2,0 phần triệu (ppm, part per million), mặc dù ở một số nơi có thể lên tới 5,0 ppm. Mùi do bổ sung clo thường biến mất nếu nước tiếp xúc với không khí trong vài phút.
Ngoài ra, việc thêm clo vào để tiệt trùng nước giếng hoặc làm sạch hệ thống ống nước cũng tạo ra mùi clo mạnh. Tuy nhiên, mùi thuốc tẩy sẽ mất khi clo tan và bốc hơi hoàn toàn. Do vậy, trong trường hợp này nên để vòi nước chảy ra bên ngoài và để nước chảy cho đến khi hết mùi trong hệ thống.
Trong một số trường hợp, clo được thêm vào có thể tương tác với các vật liệu hữu cơ được tích hợp trong hệ thống ống nước và gây thêm mùi vào nước. Mùi hôi sẽ biến mất sau khi cho nước chảy trong vài phút.
Mùi trứng ung (lưu huỳnh), mùi hôi hoặc mùi giống như nước thải
Thông thường, sự xuất hiện các mùi này là do nhiễm khuẩn. Hoạt động của các vi khuẩn này thường sinh ra khí hydrogen sulfide (H2S) có mùi như trứng ung.
Để kiểm tra vị trí nhiễm khuẩn người ta thường làm các cách sau:
Thứ nhất, xác định khuẩn ở trong nguồn nước hay ở trong hệ thống thải bằng cách đổ đầy một ly nước từ bồn rửa có mùi, sau đó bước ra khỏi bồn và quậy ly nước vài lần. Nếu vấn đề là từ hệ thống xả, nước trong ly sẽ không có mùi và bạn phải làm sạch hệ thống thải. Một trong các cách là “sốc clo” (sử dụng chất tẩy) hệ thống thải để xử lý vi khuẩn. Ngược lại, nếu nước xả có mùi thì bạn phải kiểm tra tiếp…
Hoặc kiểm tra vòi nước nóng lạnh, nếu mùi hôi chỉ từ vòi nước nóng thì có thể hệ thống làm nóng nước đã bị nhiễm khuẩn. Cần phải kiểm tra hệ thống này, làm sạch hoặc thay thế các bộ phận nếu cần thiết. Thông thường, mùi bắt nguồn từ thanh kim loại magiê làm gia nhiệt trong bể nước nóng.
Nếu mùi hôi từ vòi nước lạnh thì khả năng rất cao là sự nhiễm này bắt nguồn từ nguồn nước! Cần phải ngưng sử dụng nước và thông báo ngay đến đơn vị cung cấp nước để xử lý kịp thời!
Mùi dầu mỏ, xăng, nhựa thông, mùi giống như nhiên liệu hoặc dung môi
Hiện tượng này hiếm xảy ra trong nước sinh hoạt, tuy nhiên nếu xảy ra thì nó chứa đựng nguy cơ nghiêm trọng. Mùi này có thể là do các nguyên nhân sau làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước của bạn: Bể chứa nhiên liệu bị rò rỉ gần đó; Nguồn xả thải từ các nhà máy hoặc bãi chôn lấp; Nước thải từ các hoạt động nông nghiệp.
Trong trường hợp này cần ngưng sử dụng ngay nguồn nước cho việc ăn uống vì nó sẽ có thể gây hại cho sức khỏe như gây bệnh thiếu máu, tăng nguy cơ ung thư hoặc làm suy gan, suy thận, v.v…
Dư lượng clo trong nước nguy hiểm ra sao?
Theo báo Kiến thức, việc sử dụng clo trong công nghệ xử lý của các nhà máy nước nhằm mục đích tiêu diệt vi khuẩn, vi trùng trong nước. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý nước hàm lượng clo này tồn dư một lượng quá lớn và không được xử lý hết, gây ra những ảnh hưởng nhất định với người sử dụng.
Theo các nghiên cứu khoa học, dư lượng clo trong nước là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số bệnh như hen suyễn, rối loạn chức năng gan, nguy hiểm hơn là làm suy yếu khả năng miễn dịch.
Clo vốn là một loại hóa chất khử trùng sử dụng trong hệ thống cấp nước ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Không thể phủ nhận những lợi ích mà clo này mang lại. Sử dụng clo khử trùng vừa tiết kiệm chi phí, vừa hiệu quả. Khi để lại một lượng clo dư sau khi khử trùng sẽ giúp ngăn ngừa sự tái nhiễm của vi khuẩn trong quá trình phân phối, vận chuyển và trữ nước tại nhà.
Tuy nhiên, nếu dư lượng clo trong nước cao, vượt quá 0,5mg/l sẽ gây ra tác hại cho sức khỏe con người. Nếu bạn ngửi sẽ thấy nước có mùi clo là do nồng độ clo trong nước cao hơn nhiều so với mức cho phép.
Khi sử dụng để xử lý nước, dưới môi trường áp suất cao và làm lạnh, clo sẽ được chuyển hóa ở dạng lỏng mới đưa vào nước làm chất diệt khuẩn. Clo dạng lỏng có thể kết hợp với các hợp chất hữu cơ, các phụ phẩm diệt khuẩn mà những phụ phẩm này lại độc hại gấp nghìn lần so với clo.
Clo dư trong nước vượt quá hàm lượng cho phép khi sử dụng lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Chloroform và Trihalomethanes là hai phụ phẩm chính được sinh ra do tương tác giữa clo với các hợp chất hữu cơ khác trong nước. Tạp chí Occupational and Environmental Medicine (Hoa Kỳ) cho biết đây là những hợp chất thuộc nhóm các chất gây ung thư nhóm B và có khả năng gây dị tật với trẻ sơ sinh, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, hô hấp…
Khi người dân ngửi mùi clo trong phòng kín quá lâu sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Dấu hiệu là ho, khó thở, ngoài ra vì clo có tính oxy hóa mạnh nên có khả năng gây tràn dịch màng phổi, sưng tấy các tế bào hồng cầu, thậm chí có thể gián tiếp tạo ra bệnh ung thư.
Phong Linh (tổng hợp)