Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng viện Văn hóa & Phát triển cho rằng, nguyên nhân trẻ em vẫn liên tiếp bị bạo hành là vì “thành tích của tôi, trách nhiệm của chúng ta”.
“Bạo hành, xâm hại trẻ trở thành vấn đề đáng báo động. Tôi thấy đó là những hành động rất bất nhẫn, vô đạo đức, vô cảm và tàn độc. Một đứa trẻ nhỏ, thậm chí mới 20 ngày tuổi thì càng không thể tự bảo vệ được mình. Mới đây, vụ bảo mẫu bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non tư thục Mẫm Xanh cũng khiến dư luận phẫn nộ. Đạo đức xã hội đang ngày càng bị suy giảm. Nhưng nếu nói nguyên nhân từ mặt trái của xã hội cũng không đúng mà quan trọng là ý thức của mỗi con người và ứng xử của cá nhân họ”, ông Đức nói.
Cá nhân ông cho rằng, không chỉ trong vấn đề bảo vệ trẻ em mà ở rất nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội đang không được quan tâm một cách tương xứng.
Xã hội kỳ vọng vào các cơ quan chức năng để tăng thiết chế bảo vệ cho trẻ. Với 17 cơ quan, tổ chức, tưởng rằng trẻ sẽ luôn được an toàn trong môi trường thực sự văn hóa, trong lành. Nhưng thực tế đang ngược lại, dường như trẻ em vẫn đứng trước rất nhiều nguy cơ và chưa được bảo vệ một cách đúng mực.
Nhìn rộng ra thì có nhiều vấn đề trong đời sống xã hội cũng đang bị buông lỏng. Hiện tượng các cơ quan hữu trách chưa làm hết phận sự, chức năng của mình tồn tại ở nhiều nơi. Đâu đó, một số cơ quan, tổ chức vẫn hoạt động theo kiểu “thành tích của tôi, trách nhiệm của chúng ta.
“Vậy nên, không ai đứng ra nhận trách nhiệm chính. Thực trạng “quả bóng trách nhiệm” đá từ cơ quan này sang cơ quan khác, thiệt hại cuối cùng vẫn là người dân, là những đứa trẻ vô tội. Ở một mặt nào đó, họ hoạt động trên cơ sở những lợi ích về kinh tế hơn là lợi ích của xã hội. Danh nghĩa một tổ chức có thể giúp họ hoạt động thuận lợi”, ông Quý nhấn mạnh.
Nói thêm về vấn đề giải pháp, PGS.TS Lê Quý Đức đưa quan điểm: “Tôi nghĩ cần nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo và toàn diện hơn, không né tránh, không vì các “báo cáo thành tích” để vấn đề dư luận bức xúc, nhất là xâm hại, bạo hành trẻ được giải quyết triệt để, hiệu quả. Đừng vì sợ mất danh hiệu văn hóa mà khiến cho trẻ em phải chịu những thiệt thòi, ảnh hưởng đến cả tương lai”.
Cùng trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về nội dung này, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh đến việc buông lỏng thanh kiểm tra, giám sát.
“Thật đáng tiếc khi tình trạng bạo hành trong cơ sở giáo dục như mầm non Mầm Xanh diễn ra trong một thời gian dài, phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 cũng đã về thanh tra nhưng lại không thể xử lý do không phát hiện ra sai phạm. Điều này cho thấy công tác thực thi pháp luật, từ việc cấp phép, quản lý, đến thanh tra, kiểm tra, giám sát... bị buông lỏng”, bà nói.
Vị ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng đề cập đến việc, chúng ta chưa thực sự chú trọng đến công tác chăm sóc cho trẻ em dưới 5 tuổi. “Đây là nguyên nhân dẫn tới những bất cập lớn: Bất cập trong việc đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên mầm non; bất cập trong công tác cấp phép, quản lý cơ sở giáo dục mầm non tư thục trước tình trạng phát triển ồ ạt để đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.