Thời gian vừa qua, hàng loạt những câu chuyện đau lòng về việc một bộ phận giới trẻ đã sống buông thả, bấp chấp và khi để lại hậu quả họ sẵn sàng bỏ đi giọt máu mà mình đang mang. Trước vấn đề này, nhiều người lo ngại rằng, việc giáo dục giới tình và kiến thức về tình yêu, tình dục còn đang thiếu từ gia đình đến nhà trường. PV đã có cuộc nói chuyện với chuyên gia tâm lý Vera Minh Phúc để lắng nghe những chia sẻ.
Chị đã tư vấn cho trường hợp nào vì một phút dại dột mà bỏ đi đứa con trong bụng?
Tôi đã từng gặp một nữ công nhân còn rất trẻ có quan hệ với bạn trai và có thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên bạn này mãi đến tháng thứ 6 của thai kỳ, khi bụng bắt đầu to ra mới biết mình đã có thai. Khi nói cho bạn trai về cái thai trong bụng mình thì bạn trai kia kiên quyết chối bỏ trách nhiệm và còn doạ sẽ chia tay nếu bạn gái không bỏ đưa bé.
Khi đó bạn ấy đã vô cùng đau khổ và muốn bỏ em bé. Khi đến nhờ chuyên gia tâm lý để tìm hướng giải quyết, cô ấy đã khóc rất nhiều. Cô gái đó không biết phải làm mẹ như thế nào ở tuổi vẫn còn “trẻ con”.
Theo chị, vì sao giới trẻ lại có lỗ hổng lớn về tiền hôn nhân như hiện nay?
Hiện nay còn rất nhiều bạn trẻ đang thiếu những kiến thức về tình yêu, tình dục. Có thể nói, giai đoạn tiền hôn nhân là giai đoạn rất dài. Giai đoạn tiền hôn nhân dành cho những người bắt đầu giai đoạn vị thành niên từ 12 – 13 tuổi cho đến khi bắt đầu lập gia đình. Khi các em bước vào giai đoạn vị thành niên cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội để hỗ trợ, chia sẻ, định hướng cho các em.
Có thể nói, nguyên nhân chính dẫn đến việc các em nữ không nắm được những kiến thức về tình dục, sức khoẻ sinh sản là do cách giáo dục của gia đình có những “lô hổng lớn” .
Đối với những người đã lập gia đình nhưng có thai ngoài ý muốn, khi phá bỏ cũng rất đau khổ, dằn vặt chứ không nói đến những người mẹ chưa lập gia đình. Quan hệ trước hôn nhân không phải là điều xấu (vì do nhu cầu), nhưng nếu có thai ngoài ý muốn thì là xấu vì điều đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể của người phụ nữ khi chưa thực sự trưởng thành. Bên cạnh nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thậm chí là vô sinh, họ phải chịu sự dằn vặt của “toà án lương tâm” đến suốt cuộc đời. Thậm chí có những người sẽ oán trách, thù hận đàn ông vì những tổn thương mà mình phải chịu đựng.
Hơn nữa, hiện nay mạng xã hội phát triển, có rất nhiều điều tiêu cực được lan truyền rộng rãi và nhanh chóng trở thành “cơn sóng dư luận”. Tuy nhiên bạn cần biết, mỗi hình ảnh tin tức được lan truyền trên mạng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của nhiều người. Vì vậy thay vì oán trách, chỉ trích thì mọi người nên có những hành động hỗ trợ cho công đồng nhiều hơn.
Vậy, gia đình, nhà trường cần làm gì để hỗ trợ hay lấp đầy lỗ hổng về kiến thức này của một bộ phận giới trẻ thưa chị?
Trước hết là gia đình - những người gần gũi các em nhất và có vai trò quan trọng nhất trong việc cung cấp những kiến thức về sinh sản cho con mình. Những người thân trong gia đình như ông bà, bố mẹ cần hướng dẫn, giải thích cụ thể vì trong giai đoạn vị thành niên các con rất mong muốn được khám phá, tìm hiểu về cơ thể mình. Nếu gia đình không giải thích hướng dẫn thì có thể các em sẽ tự mày mò, tiếp cận những thông tin kiến thức có thể đúng mà cũng có thể sai. Nếu tiếp cận với những thông tin sai trái, tiêu cực sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng và gây hậu quả đáng tiếc cho các em.
Bên cạnh đó các phụ huynh cũng cần làm bạn với con để chia sẻ, định hướng cho con. Những vấn đề về tình dục khá nhạy cảm nên nhiều phụ huynh vẫn còn “rụt rè” và rất ngại chia sẻ với con. Điều này sẽ làm cho những cô gái ở tuổi mới lớn càng tò mò và muốn khám phá hơn. Trong trường hợp bố mẹ không có đủ kiến thức để chia sẻ thì có thể gửi con đến các lớp học tiền hôn nhân, lớp học sinh sản để con có thể hiểu rõ hơn vai trò của vấn đề.
Đối với gia đình thì nên có sự hướng dẫn, chỉ bảo về những kiến thức chăm sóc cơ thể, kiến thức tình dục để tránh những tổn thương đến với con. Đặc biệt, những tổn thương của người mẹ cũng sẽ có sự tác động đến con. Mỗi gia đình hạnh phúc đều là tế bào của xã hội và mỗi một gia đình hạnh phúc sẽ tạo nên một xã hội hạnh phúc.
Chúng ta hãy tạo mọi điều kiện để hiểu được nhu cầu khám phá, chia sẻ của các con, khi thấu hiểu những điều đó mới có thể bảo vệ và giúp con tự chủ, sống có trách nhiệm. Trong trường hợp thiếu kiến thức cần đi học thêm những lớp bồi dưỡng để chuẩn bị hành trang tốt nhất cho các con bước vào đời.
Đối với nhà trường thì nên có những hoạt động tích cực định hướng và tổ chức những chương trình cung cấp kiến thức, phát những video bổ ích… để định hướng cho các em.
Cảm ơn chị về những chia sẻ!
Mai Thu