Cụ thể, từ ngày 1/12, giá bán lẻ gas trong nước sẽ được điều chỉnh tăng từ 70.000-80.000 đồng/bình 12kg, tương đương mức tăng 6.600 đồng/kg.
Sau quyết định tăng giá nói trên, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng thời điểm hiện tại vào mức khoảng 475.000-485.000 đồng/bình 12kg và là mức giá cao nhất kể từ tháng 2/2012.
Trước sức ép của việc giá gas tăng mạnh từ đầu tháng 12, nhiều người dân tỏ ra bức xúc và khó hiểu thậm chí không ít người thấy “sốc”.
“Trong thời buổi khó khăn như hiện nay việc giá gas tăng tới gần 80.000 đồng 1 bình không khác gì đeo thêm đá vào cổ người dân”, một bà nội trợ tỏ ra gay gắt.
Bình thản hơn nhưng không giấu được vẻ chán chường, lo lắng chị Trần Thị Hà – Mỹ Đình chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi đều là công chức, lương bèo bọt lại nuôi con nhỏ trong khi các mặt hàng ồ ạt tăng giá cộng thêm giá gas tăng đột biến như thế không biết hai vợ chồng sẽ xoay xở ra sao để chi tiêu hàng ngày ”.
Tâm sự của chị Hà cũng là tâm sự của nhiều bà nội trợ khác trước việc giá gas tăng mạnh. Điều không ít người dân lo lắng là việc giá gas tăng mạnh có thể khiến các mặt hàng khác có cớ tăng giá. Nỗi lo này của người dân không phải là không có căn cứ khi ở Việt Nam việc điện, gas, xăng dầu tăng giá bao giờ cũng kéo theo việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu khác.
Lý giải việc giá gas tăng mạnh từ đầu tháng 12, đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, giá gas trong nước tăng là do gas trên thị trường thế giới tăng cao.
Ảnh minh họa
Cụ thể, giá gas trên thị trường thế giới được chào bán ở mức trên 1.000 USD/tấn, tăng khoảng 200 USD/tấn so với hồi đầu tháng 11.
Ngoài ra, theo đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam, ngoài nguyên nhân do giá thế giới tăng, một nguyên nhân khác tác động không nhỏ đến việc tăng giá gas là việc các doanh nghiệp bán lẻ gas găm hàng chờ sang tháng 12 mới bán để được hưởng lãi cao.
Thông tin từ các hãng gas cho thấy, sau khi gas tăng giá mạnh từ đầu tháng 12, Công ty TNHH Gas Petrolimex Sài Gòn bán 493.000 đồng/bình 12kg, Công ty Gas Pacific Petro tăng 78.000 đồng và bán lẻ đến người tiêu dùng 489.000 đồng/bình 12kg...
Nói tới giải pháp bình ổn giá gas, nhiều chuyên gia cho rằng cần giảm thuế nhập khẩu gas.
Ông Trần Trọng Hữu, phó tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng: “Việc giảm thuế nhập khẩu gas sẽ góp phần bình ổn thị trường gas trong nước và giảm mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng cuối năm. Dự báo, trong tháng 1/2014, giá gas sẽ còn có thể tiếp tục tăng”.
Báo Tiền Phong cũng đăng ý kiến ông Nguyễn Sỹ Thắng, chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết: “Nếu đề xuất giảm thuế nhập khẩu gas được thông qua, sẽ giảm được khoảng 17.000 đồng/bình”.
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: “Việc giảm thuế nhập khẩu gas là cần thiết trong lúc giá gas đang tăng cao. Tuy nhiên, việc kiểm soát các doanh nghiệp bán lẻ găm hàng chờ tăng giá, cạnh tranh không lành mạnh từ việc trích hoa hồng cho các đại lý… cũng rất cần thiết”.
Tuấn Khanh