Nhận được đơn tố cáo của gia đình bệnh nhân Mai Trung Kiên tử vong tại Bệnh viện FV ngày 12/8, Sở Y tế TP.HCM đã kết luận ông Kiên chết do xuất huyết nội. Tuy nhiên, TGĐ FV Jean Marcel Guillon lại phủ nhận kết luận vừa được Sở Y tế đưa ra; đồng thời tự ý hoãn hai lần họp báo mà không thông báo lý do.
Hai lần hoãn họp báo
Như Người đưa tin đã phản ánh, trước vụ việc ngày càng phức tạp trong ca tử vong của bệnh nhân Mai Trung Kiên (bố của nữ diễn viên Mai Thu Huyền), Bệnh viện Pháp Việt đã gửi thông báo đến các cơ quan báo chí về việc sẽ họp báo vào ngày 17/9. Thế nhưng, lại một lần nữa, Bệnh viện FV lại hoãn cuộc họp này, khiến dư luận đặt nghi ngờ về sự thẳng thắn, trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin của báo chí.
Bệnh viện Pháp - Việt - nơi xảy ra cái chết của ông Mai Trung
Trao đổi với PV Người đưa tin, đại diện gia đình bệnh nhân Mai Trung Kiên, diễn viên Mai Thu Huyền cho biết: "Cả hai lần FV dự định họp báo, gia đình đều yêu cầu được tham gia nhưng họ đều không nói gì và kết quả là hoãn cả hai lần. Không hiểu họ định họp báo về ca tử vong của bố em mà không có sự tham gia của gia đình nạn nhân thì có còn khách quan nữa không?".
Cũng theo chị Thu Huyền, do ông TGĐ của Bệnh viện FV phủ nhận kết quả của Sở Y tế TP.HCM, đồng thời cho rằng hệ thống máy móc của Bệnh viện tim Tâm Đức đo không chính xác nên gia đình đã gửi hồ sơ bệnh án sang Mỹ nhờ các bác sỹ nghiên cứu.
Trước đó, ngày 7/9, đại diện bệnh viện này đã gửi thư mời đến một số cơ quan báo chí. Theo đó, Bệnh viện FV sẽ tổ chức buổi họp báo để chính thức cung cấp thông tin chi tiết về trường hợp này từ phía Ban Giám đốc bệnh viện, cũng như chính thức phản hồi các bài báo đã đăng. Thời gian họp báo diễn ra vào ngày 12/9. Thế nhưng, ngày 10/9, đại diện FV lại gửi thông báo hủy thời gian họp báo cũ và dời buổi họp báo sang ngày 17/9, sau đó lại tiếp tục hoãn.
Những sai sót... chết người
Sau khi nhận được hồ sơ bệnh án của gia đình ông Kiên, bác sỹ Don Phạm, người có 40 năm kinh nghiệm về phẫu thuật ở Mỹ, đã thẳng thắn chỉ ra những sai sót… chết người của Bệnh viện FV.
Người đưa tin xin trích đăng nguyên văn bản dịch lá thư hồi đáp của bác sỹ Don Pham như sau:
"Tôi tên là Don Phạm, bác sĩ phẫu thuật tiết niệu ở California, Mỹ. Tôi có xem hồ sơ bệnh án của ông Mai Trung Kiên, người đã tử vong tại bệnh viện FV ngày 11/8/2012. Tôi xin được tóm tắt như sau: Ông Mai Trung Kiên, 57 tuổi, có tiền sử mổ bắc cầu tim 8 năm về trước. Gần đây, ông Kiên bị tai biến và đã hoàn toàn hồi phục.
Ngày 7/8/2012, ông Kiên bị đau bụng và được nhập viện vào bệnh viện FV. Bệnh viện FV đã làm các xét nghiệm và có các chỉ số đánh giá như sau: 1.Huyết học (CBC) bình thường với chỉ số tương ứng Hemoglobin là 13,6 gram và Hematocrit là 41,0 gram và bạch huyết cầu hơi cao; 2.Kết quả siêu âm tim là bình thường; 3.Kết quả CT scan bụng vào lúc 8h43' gợi ý là viêm ruột thừa; 4.Hồ sơ hóa học và enzyme đều nằm trong giới hạn bình thường.
Ngày 8/8/2012, ông Kiên đã được phẫu thuật nội soi ruột thừa ở bệnh viện FV. Sau đó, ông Kiên đã trải qua giai đoạn hậu phẫu tốt cho đến ngày 10/8/2012 khi ông bắt đầu phàn nàn về đau bụng và đau ngực nghiêm trọng. Vào lúc 15h30’ ngày 10/8/2012, ông Kiên có kết quả xét nghiệm huyết học (CBC) giảm xuống trong Hemoglobin là 9,3 gram và Hematocrit là 26,8 gram. Bác sĩ Thịnh ở bệnh viện FV đã phát hiện ra và ghi chú trong kết quả xét nghiệm.
Vào lúc 7h39' ngày 11/8/2012, kết quả xét nghiệm huyết học (CBC) của ông Kiên tiếp tục giảm xuống: Hemoglobin là 8,6 gram và Hematocrit là 25,6 gram. Hồ sơ bệnh án của ông Kiên không có các xét nghiệm khác trong thời gian này.
Tại thời điểm này, bác sĩ của FV nghĩ ông Kiên đã có một triệu chứng bất ngờ về tim nên chuyển ông Kiên sang Bệnh viện Tâm Đức. Ông Kiên nhập Bệnh viện Tâm Đức vào khoảng 20h ngày 11/8/2012. Các đánh giá và xét nghiệm của bác sĩ Bệnh viện Tâm Đức cho thấy, không có một biểu hiện bất thường về tim nhưng có chảy máu bụng. Ông Kiên đã được chuyển ngược lại bệnh viện FV vào lúc 22h50'. Ông Kiên sau đó đã ngừng thở vào lúc 23h10'.
Tôi có một vài ý kiến về trường hợp của ông Mai Trung Kiên:
"Thứ nhất, chẩn đoán viêm ruột thừa cấp có thể thực hiện bằng biện pháp đơn giản như xét nghiệm máu và khám nghiệm. Chẩn đoán bệnh xong, bệnh nhân phải được mổ cấp cứu ngay. Không có bác sĩ phẫu thuật nào chờ đợi đến ngày hôm sau để xác định chẩn đoán với CT scan rồi mới mổ. Sự chậm trễ này làm cho một trường hợp viêm ruột thừa bình thường có thể trở thành trường hợp khó. Trong trường hợp của ông Kiên, phải làm cấp cứu ngay hôm nhập viện chứ không phải đợi đến hôm sau làm CT scan rồi mới mổ.
Thứ hai, tôi không biết bác sĩ phẫu thuật chính cho ông Kiên có theo dõi bệnh nhân của mình chặt chẽ hay không. Với một bệnh nhân có tiền sử các bệnh như ông Kiên, khi bệnh nhân khiếu nại đau bụng và đau ngực cùng với sự sụt giảm 4,0 gram Hemoglobin, điều này rõ ràng rằng ông Kiên đã có chảy máu bên trong, nhất là khi ông đã được phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa. Một bác sĩ phẫu thuật sơ cấp cũng nghĩ ra được bệnh nhân bị chảy máu trong, nếu khám và xét nghiệm cho bệnh nhân. Đến ngày thứ 3 sau hậu phẫu, xét nghiệm cho thấy Hemoglobin tiếp tục giảm, điều đó càng khẳng định chắc chắn bệnh nhân bị chảy máu trong.
Tôi hiểu rằng, máu chảy sau hậu phẫu có thể xảy ra, nhất là trong các trường hợp khó. Nhưng không hiểu chuyên môn và trình độ của các bác sĩ FV như thế nào khi tất cả họ đều chẩn đoán nhầm và đẩy ông Kiên sang Bệnh viện Tâm Đức?".
Bệnh nhân Kiên chết vì bác sỹ FV thiếu năng lực và nhẫn tâm "Vì sự thiếu năng lực và nhẫn tâm của các bác sĩ FV, ông Kiên đã bị chảy máu trong trong ba ngày và dẫn đến cái chết, mà cái chết này hoàn toàn có thể tránh được, nếu các bác sĩ FV có trách nhiệm và chuyên môn hơn. Cho dù khi ông Kiên mất có đột biến tim hay không nhưng tôi tin chắc rằng, nếu ông được điều trị đúng lúc và đúng cách (truyền máu và phẫu thuật mở để cầm máu) thì ông Kiên sẽ vẫn còn sống" - Don Phạm, bác sĩ phẫu thuật tiết niệu tại California (Mỹ). |
Khánh Nguyên