Trong 2 ngày, 22 và 23/12, Bệnh viện K đã tổ chức Hội thảo phẫu thuật ít xâm lấm trong ung thư dạ dày:Phẫu thuật Robot và phẫu thuật nội soi. Hội thảo là diễn đàn thảo luận trao đổi về chuyên môn giữa các chuyên gia trong nước và quốc tế, cập nhật tiến bộ trong điều trị phẫu thuật ung thư dạ dày.
PGS.TS Phạm Văn Bình- Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K cho biết, điều trị ung thư là điều trị đa mô thức, tức là kết hợp nhiều phương pháp.
Trong 2 thập kỷ gần đây, phẫu thuật đã và đang là phương pháp quan trọng nhất trong các phương pháp điều trị mang tính triệt căn trong ung thư dạ dày.
“Trong phẫu thuật thì phẫu thuật robot và phẫu thuật nội soi thuộc nhóm phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Có thể nói, đây là một tiến bộ, một cuộc cách mạng trong phẫu thuật ung thư nói chung và ung thư dạ dày nói riêng.
Phẫu thuật Robot là phẫu thuật ứng dụng đối với những trường hợp có thể cắt dạ dày triệt căn, được chỉ định với những giai đoạn không phải giai đoạn muộn, hoặc giai đoạn tiến triển”, PGS.TS Phạm Văn Bình chia sẻ.
Theo PGS.TS Phạm Văn Bình, có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới, nhưng nghiên cứu về phẫu thuật robot còn hạn chế vì trên thế giới cũng không có nhiều trung tâm phẫu thuật robot trong điều trị lâm sàng.
Các nghiên cứu cho đến nay cũng chỉ ra nhiều lợi ích của phẫu thuật robot như: giảm đau sau mổ, lượng máu mất ít, số lượng hạch nạo vét được nhiều hơn, bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, tính chất ung thư học tốt hơn ở thời điểm sớm so với phẫu thuật nội soi truyền thống cũng như so với phẫu thuật mổ mở.
Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi cần phải một thời gian dài nữa để hoàn thiện tỷ lệ sống thêm, sống thêm toàn bộ, để đưa những kết luận thuyết phục hơn về mặt khoa học.
Bệnh viện K đã ứng dụng Robot Davinci thế hệ mới nhất hiện nay trong phẫu thuật và điều trị ung thư. Trong đó có phẫu thuật: ung thư đại trực tràng, ung thư phụ khoa, ung thư tiết niệu, ung thư tuyến giáp... Bên cạnh đó, bệnh viện đang tiếp tục đẩy mạnh phẫu thuật ung thư dạ dày để mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân.
Qua Hội thảo, chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc đã trao đổi được nhiều kinh nghiệm trong phẫu thuật điều trị và thảo luận những đặc thù riêng của bệnh nhân Việt Nam mắc ung thư dạ dày, vì nhiều người bệnh trong nước có những đặc thù riêng trong ung thư mà nước bạn chưa gặp.
Số lượng mổ ung thư dạ dày hàng năm của Bệnh viện K khoảng 1500-2000 ca/nămdo vậy, những biến chứng, tai biến, kỹ thuật cần hoàn thiện, được các đồng nghiệp trong nước và GS. Woo Jin Hyung trao đổi sôi nổi.
Trong buổi hội thảo cũng có các đồng nghiệp trong khu vực tham dự online và đưa ra những tham luận hết sức giá trị để hoàn thiện kỹ thuật.
Cũng trong sáng 22 và 23/12, chuyên gia Bệnh viện K và GS.TS Woo Jin Hyung, Bệnh viện Severance Hospital,Yonsei University College of Medicine, Seoul, South Korea đã mổ trình diễn 2 ca phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày cho người bệnh.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân nam, 56 tuổi, chẩn đoán ung thư dạ dày vùng thượng vị, giai đoạn T2N0M0.Các bác sĩ đã hội chẩn kỹ và lựa chọn tiến hành phẫu thuật robot, cắt gần toàn bộ dạ dày nạo vét hạch cho người bệnh.
Một ngày sau ca mổ, bệnh nhân đã ngồi dậy và đi lại bình thường. Giảm đau sau mổ rõ rệt; số lượng hạch vét được khi mổ tốt; diện phẫu tích rõ ràng, tinh tế, bảo tồn được những tổ chức lành và lấy được tối đa những tổ chức ung thư.
Trên phương diện cầm máu và biến chứng trong mổ thể hiện rõ được ưu thế tuyệt đối của phẫu thuật Robot đó là trường mổ rất sâu, độ phân giải cao 3d, các dụng cụ phẫu thuật Robot hết sức tinh tế, linh hoạt, các thao tác mổ dễ hơn; cắt, nối, nạo vét hạch hoàn toàn trong cơ thể.
Các cánh tay robot có lợi thế hoạt động như cổ tay của người phẫu thuật viên với 7 độ tự do trong ổ bụng.Đây là một triển vọng, là hướng mới có nhiều hứa hẹn phát triển trong phương pháp phẫu thuật robot để điều trị ung thư dạ dày.
Sáng ngày 23/12, ca phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn II được thực hiện bằng phương pháp nội soi được diễn ra thành công, bệnh nhân ổn định sau mổ.