Giúp phát hiện sớm trình trạng sức khỏe
Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đại biểu đoàn Tp.HCM cho hay, khám sức khỏe tiền hôn nhân là cần thiết nhằm sớm phát hiện các bệnh lý như viêm gan B, C, giang mai đặc biệt là bệnh di truyền, bệnh tim.
"Khám sức khỏe tiền hôn nhân là trách nhiệm với người vợ hoặc người chồng và trách nhiệm tương lai cũng như thế hệ sau", ông nói.
Ông Thức cũng từng chứng kiến nhiều trường hợp đến khi đi sinh người phụ nữ mới biết mình bị hẹp van tim, suy tim, suy thận nặng. Khi vào sinh bị suy tim cấp, khiến bác sĩ rất đau xót phải đưa ra quyết định cứu mẹ hay cứu con. Những vấn đề này, hoàn toàn có thể tránh được nếu khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Luật Hôn nhân và gia đình 2014, không quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn. Nhưng kết hôn với người nước ngoài thì có yêu cầu khám và khám rất kỹ. Vì vậy, giám đốc BV Chợ Rẫy đề nghị nên quy định bắt buộc định khám tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn.
Tại sao cần phải khám sức khỏe tiền hôn nhân, có cần thiết quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân, khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ có những lợi ích gì? Đây là những câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, Ths.BS Phạm Thị Mỹ - Chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội nhớ lại, trong cuộc đời làm nghề BS. chứng kiến khá nhiều câu chuyện đau lòng và đáng buồn của các cặp vợ chồng. Vì vấn đề khám tiền hôn nhân thực tế hiện nay chưa được nhìn nhận chính xác và đa phần đều quan điểm có bệnh mới chữa.
BS.Mỹ kể lại, ca bệnh đáng buồn của cặp vợ chồng quê Hải Dương đến bệnh viện khám. Cặp vợ chồng 4 lần mang thai nhưng đều không sinh được con mà phải bỏ con ở tuần 20-28 do thai dị tật phù thai. Mãi đến lần thứ 5 anh chị mới được các bác sĩ tư vấn khám sàng lọc gen tan máu bẩm sinh Thalasemia và phát hiện cả 2 vợ chồng cùng mang gen tan máu bẩm sinh alpha Thalasemia - đây chính là nguyên nhân của 4 lần mang thai người vợ đều bị phù thai và phải đình chỉ thai.
“Với trường hợp này, khi đi thăm khám sớm sẽ được các bác sĩ tư vấn khám, sàng lọc phôi tiền làm tổ để loại trừ phôi bị bệnh và sẽ lựa chọn những phôi bình thường hoặc mang gen dị hợp chuyển vào buồng tử cung và người vợ có thể có một thai kỳ khỏe mạnh”, BS.Mỹ nói.
Theo bác sĩ, tiền hôn nhân là giai đoạn từ lúc một người bắt đầu có khả năng sinh sản đến khi kết hôn, bao gồm cả trẻ vị thành niên khi đã bắt đầu có khả năng sinh sản, cho đến những người lớn tuổi hơn (30 - 40 tuổi) mà chưa từng kết hôn. Đây là những đối tượng cần được quan tâm đến những vấn đề thuộc nội dung chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân.
Thực tế hiện nay, các cặp đôi thường chỉ bắt đầu đi khám sức khỏe tiền hôn nhân khi chuẩn bị kết hôn. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể đi khám sớm hơn để sàng lọc các vấn đề sức khỏe.
Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo, tốt nhất nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân tối thiểu là 3 - 6 tháng trước khi kết hôn.
“Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp cho các bạn trẻ có thể đánh giá được sớm tình trạng sức khỏe tổng quát và sức khỏe sinh sản của bản thân. Từ đó, giúp các bạn tự tin bước vào cuộc hôn nhân, chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho đời sống vợ chồng và sẵn sàng chào đón các em bé khỏe mạnh”, BS.Mỹ cho hay.
Theo BS.Mỹ, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp phát hiện sớm trình trạng sức khỏe và cần có những lời khuyên đúng đắn của nhân viên y tế, từ đó đưa ra quyết định phù hợp về thời điểm kết hôn, mang thai và sinh con. Các trường hợp chưa sẵn sàng hoặc gặp vấn đề về quan hệ tình dục cũng sẽ được các chuyên gia tình dục tư vấn, hướng dẫn.
Các trường hợp có các bệnh lý hoặc di truyền liên quan ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai và sinh đẻ về sau cũng được sàng lọc và tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa.
“Tất cả các lý do nêu trên đều cho thấy rằng việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là vô cùng quan trọng và thực sự cần thiết”, BS.Mỹ nhấn mạnh.
Khuyến khích nâng cao nhận thức cộng đồng
Trước ý kiến đề xuất của ĐBQH về việc nên quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân, BS. Đào Văn Kiên, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cũng đồng tình với việc khám sức khỏe tiền hôn nhân rất quan trọng.
Tuy nhiên, theo BS.Kiên việc này cũng gặp phải nhiều vấn đề khó khăn như: Chi phí thăm khám cho 2 vợ chồng, chi phí làm các xét nghiệm sàng lọc chuyên sâu liên quan các bệnh di truyền gen lặn không hề nhỏ; vấn đề về mạng lưới cơ sở y tế cụ thể là nhân lực và cơ sở vật chất đủ điều kiện và được cấp phép cho việc thực hiện khám tiền hôn nhân. Cùng với đó tâm lý của các cặp đôi muốn có quyền riêng tư…
Do đó, theo BS.Kiên việc tuyên truyền khuyến khích nâng cao nhận thức của cộng đồng là cần thiết. Tuy nhiên, áp dụng tùy theo từng địa bàn, mở rộng và có các chương trình hỗ trợ phù hợp đặc biệt lưu ý:
Với những phụ nữ vùng sâu, vùng xa và đồng bào nghèo cần có những chính sách hỗ trợ trực tiếp và thiết thực tận nơi như tuyên truyền, nâng cao hiểu biết giáo dục về sức khỏe sinh sản.
Mở các lớp bồi dưỡng giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, sức khỏe tiền hôn nhân.
Hỗ trợ chi phí cho các gói thăm khám sức khỏe sinh sản tiền nhân hôn cho các cặp vợ chồng trước kết hôn với chi phí thấp; mở các Trung tâm y tế, đào tạo cán bộ tư vấn và thăm khám tiền hôn nhân.
Nâng cao chính sách bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong xã hội; thực hiện tốt các dự án chương trình hỗ trợ giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội cho các đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa và đồng bào nghèo.
Tỉ lệ nam, nữ ở Hà Nội khám sức khỏe trước kết hôn đạt 53,4%
Từ năm 2021, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế)- nay là Cục Dân số đã giao chỉ tiêu về tỉ lệ các cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cho các tỉnh, thành phố. Năm 2023, Hà Nội là một trong 5 tỉnh, thành phố được giao chỉ tiêu mỗi năm tăng thêm ít nhất 15% so với năm 2022.
Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, trong năm 2022, tỉ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trên địa bàn thành phố là 31,9%; chỉ tiêu này được đặt ra trong năm 2023 là 50%. Kết quả, trong 9 tháng năm 2023, tỉ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn là 53,4% (vượt kế hoạch đề ra).