Bất chấp chính sách đối ngoại của Washington đối với Moscow dưới thời Donald Trump có thể thay đổi theo hướng gần gũi hơn, Nga được cho là sẽ không thay đổi mục tiêu địa chiến lược của mình, trong khi tiếp tục duy trì mối quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc và Iran, tờ Vzglyad của Nga nhận định trong một bài xã luận gần đây.
Liên minh chiến lược Moscow và Bắc Kinh đã được định hình trong giai đoạn 2012-2014 dựa trên lợi ích và mục tiêu chung của hai bên. Một trong những mục tiêu quan trọng trong đó là biến đổi trật tự toàn cầu không còn Mỹ là siêu cường duy nhất.
Bình luận về chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, bình luận viên Petr Akopov cho rằng, rất có thể chính quyền Washington sẽ đòi hỏi những điều kiện đặc trưng cho việc phát triển quan hệ Nga-Mỹ lên tầm cao mới, trong đó có yêu cầu Moscow phải "giảm sự gần gũi với Trung Quốc".
Theo Akopov, thậm chí nếu Trump đạt được một thỏa thuận với Nga về hoạt động quân sự chung chống IS tại Syria; giải tỏa căng thẳng ở Ukraina; nới lỏng một số biện pháp trừng phạt đối với Moscow và cho phép châu Âu khôi phục lại quan hệ với Nga; thực tế vẫn có một số mâu thuẫn địa chính trị giữa Moscow và Washington còn tồn đọng.
Nhà báo Nga lưu ý đến một thực tế rằng chiến thắng của Trump không đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ đi theo chủ nghĩa biệt lập mà hơn hết, Washington sẽ tìm kiếm những quan hệ với các quyền lực lớn khác nhằm đem lại lợi ích cho mình.
Chính sách đối ngoại của Trump được dự báo sẽ khiến nhiều thứ thay đổi, trong đó có việc tái định dạng NATO và sự xuất hiện của một thế hệ lãnh đạo mới ở châu Âu.
Còn đối với Nga, Trump sẽ đề xuất một "thỏa thuận lớn" để tạo nền tảng cho hai nước có thể chung tay giải quyết các vấn đề trên quy mô toàn cầu.
"Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ từng cung cấp cho Trung Quốc cơ hội trở thành cường quốc ngang hàng để giải quyết các vấn đề toàn cầu với nhau, Trump bây giờ có thể cố gắng làm một điều tương tự (mặc dù không chính thức) với Nga", Akopov nêu quan điểm.
"Tuy nhiên, Trung Quốc đã không mặn mà với điều này và tương tự như vậy Nga sẽ không thay đổi chiến lược của mình chỉ vì sự thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ", ông cho biết.
Trước đó, nói với Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cũng đồng tình cho rằng, chính quyền mới của Mỹ sẽ sẵn sàng chuyển hướng chính sách từ Đông Âu và Trung Đông sang tập trung cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo nhà phân tích này, Washington dưới thời Trump sẽ cố gắng đạt được một thỏa hiệp riêng với Nga. Sau khi có sự giúp sức từ Moscow, Mỹ sẽ bắt đầu tăng áp lực vào Trung Quốc - đối thủ kinh tế và chính trị lớn của Mỹ.
Trên thực tế, nhiều chuyên gia tin rằng Trump sẽ nhanh chóng bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại với Bắc Kinh như ông từng nhiều lần tuyên bố trước đó, đồng thời tiếp tục duy trì các chính sách gây sức ép quân sự đối lên cường quốc châu Á này.
Trong con mắt của Bắc Kinh những hành động nói trên kết hợp với các động thái ở Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản và Đài Loan sẽ trông giống như một 'tấn công tổng lực' chống lại Trung Quốc.
Trong những trường hợp như vậy, không chắc chắn rằng Nga sẽ vẫn là một người quan sát trung lập và thụ động. Do vậy, Trump được cho là sẽ đề nghị Nga lựa chọn chỉ một trong hai: Washington hoặc Bắc Kinh.
Bên cạnh Trung Quốc, một đồng minh khác ở Trung Đông là Iran cũng có thể trở thành mối bất hòa tiềm ẩn giữa Moscow và Washington.
Trump sẽ không xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng áp lực mà Mỹ gây thêm với Tehran sẽ khiến cả Moscow và Bắc Kinh cảm thấy không hài lòng.
Nga và Trung Quốc luôn coi Iran là đối tác chiến lược của mình và trong nửa năm tới, Tehran sẽ sớm gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Do vậy có một điều chắc chắn rằng Moscow và Bắc Kinh sẽ không để mặc đồng minh của họ suy vong.
Theo bình luận của Vzglayd, kế hoạch của Trump sẽ khó có khả năng ảnh hưởng đến tư tưởng đối ngoại của Nga ít nhất là trong thời điểm hiện tại, khi Moscow và Bắc Kinh đang tạo cho mình một liên minh không chính thức tương đối vững chắc.
Cả hai đang nỗ lực để tạo ra một thế giới đa cực dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, nơi mà Mỹ sẽ chỉ là một trong những trung tâm quyền lực bên cạnh nhiều quyền lực lớn khác.
Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc trong một bình luận gần đây cũng khẳng định: "Sự gần gũi giữa Trung Quốc và Nga được xác định bởi một số yếu tố tương đồng; được hình thành trong một thời gian dài và mang lại những lợi ích chiến lược ổn định cho cả hai nước".
Bài viết này lạc quan cho rằng, giới lãnh đạo hai nước sẽ bảo vệ nguyên trạng quan hệ và nhấn mạnh "Nga sẽ không hy sinh mối quan hệ Trung-Nga cho sự phát triển quan hệ Nga-Mỹ.
Tuy nhiên giới quan sát cũng thừa nhận, chính sách của Trump trong thời điểm hiện tại sẽ vẫn là kế thừa và giải quyết vấn đề còn đang dang dở từ những gì mà chính quyền Obama để lại. Trong đó nổi cộm nhất vẫn là vấn đề Syria, cuộc khủng hoảng Ukraine. Do vậy, việc đối phó với Trung Quốc có thể sẽ nằm trong giai đoạn sau trong nhiệm kỳ của Trump.
Quốc Vinh