Tại buổi gặp vào ngày 27/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đi về phía Chủ tịch Kim Jong-un, và lòng bàn tay của ông chủ Nhà Trắng hướng lên. Sau đó, hai nhà lãnh đạo đã nắm chặt tay nhau rồi quay mặt lại với máy ảnh.
Allan Pease, một chuyên gia ngôn ngữ cơ thể người Australia - tác giả của một số cuốn sách về chủ đề này nhận định, “Họ (ông Trump và ông Kim) đều nỗ lực để thể hiện mối quan hệ của họ đã được cải thiện kể từ hội nghị thượng đỉnh lần trước đó (ở Singapore hồi tháng 6/2018)”. “Sự phản chiếu giữa họ là khá mạnh mẽ”, ông Pease nói thêm.
Chuyên gia ngôn ngữ cơ thể người Australia cho biết, “phản chiếu” nghĩa là cách mà những người muốn thể hiện rằng họ có mối quan hệ bắt chước ngôn ngữ cơ thể của nhau, hành động này giúp người khác thoải mái.
Các chuyên gia nói rằng cái bắt tay này khác với cuộc gặp gỡ lịch sử tại Singapore cách đây 8 tháng. Thời điểm đó, dường như ông Trump và ông Kim đều muốn thiết lập ý thức chỉ huy. Trong gặp thượng định Mỹ-Triều ở Hà Nội, ông Kim Jong-un có vẻ tự tin hơn nhiều so với cuộc họp ở Singapore. Trong khi đó, ông Trump chào đón ông Kim với lòng bàn tay hướng lên - một dấu hiệu thể hiện cách tiếp cận hòa giải và cởi mở hơn, chuyên gia ngôn ngữ cơ thể Karen Leong nhận định.
Theo đó, rất có khả năng Tổng thống Mỹ muốn có mối quan hệ thực sự tốt đẹp với Chủ tịch Triều Tiên thay vì áp chế hay ép buộc. Về phần mình, ông Kim đi về phía ông Trump với những bước chân nhanh nhẹn hơn và bàn tay mở rộng. Trước đây ở Singapore, ông Kim đã do dự hơn rất nhiều. Có thể vì hiện nay Chủ tịch Triều Tiên đã có nhiều cảm giác quen thuộc hơn.
Bà Kim Hyung-hee, giám đốc của Phòng thí nghiệm ngôn ngữ cơ thể Hàn Quốc, phân tích rằng, ông Trump dường như đã có cử chỉ cẩn thận thêm một chút khi bắt tay ông Kim so với các nhà lãnh đạo khác. Tuy nhiên, hai người đều có dấu hiệu căng thẳng khi ngồi xuống.
Ông Pease lưu ý Tổng thống Mỹ ngồi ở vị trí “quyền lực” truyền thống của mình với hai bàn tay hướng về phía trước tạo thành hình dạng gác chuông và nhíu mày. Những ngón tay của Chủ tịch Triều Tiên thì siết chặt lại, một tư thế thể hiện sự tự chủ.
GIA BẢO (Theo Reuters)