Chuyên gia nói gì về đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô điện?

Chuyên gia nói gì về đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô điện?

Dương Thị Thu Nga

Dương Thị Thu Nga

Thứ 6, 13/08/2021 15:05

Mới đây, bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ nộp lần đầu đối với ô tô điện chạy bằng pin so với mức thu của ô tô chạy xăng và dầu.

Đây là một trong những nội dung mới của Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 140 của Chính phủ về lệ phí trước bạ (LPTB) và đang lấy ý kiến. 

Cụ thể, bộ Tài chính đề xuất: Ô tô điện chạy pin nộp LPTB lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu LPTB lần đầu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (tương đương từ 5% đến 7,5%) trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và nộp LPTB từ lần thứ 2 trở đi với mức thu bằng mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (2%).

Lý do đưa ra đề xuất giảm 50% LPTB đối với ô tô điện

Theo bộ Tài chính, với người tiêu dùng, đề xuất trên sẽ làm giảm chi phí khi đăng ký sở hữu ô tô, từ đó kích thích người tiêu dùng lựa chọn loại phương tiện ô tô điện chạy bằng pin.

Còn với doanh nghiệp, hỗ trợ các nhà phân phối đẩy mạnh tiêu thụ dòng xe thân thiện với môi trường và góp phần giúp doanh nghiệp yên tâm tiếp tục đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô điện chạy bằng pin.

Đặc biệt, với lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện chạy pin hiện đang là lĩnh vực mới, còn trong giai đoạn đầu phát triển thì việc thực hiện chính sách ưu đãi mức thu LPTB đối với ô tô điện chạy bằng pin sẽ gián tiếp góp phần thúc đẩy ngành sản xuất, lắp ráp ô tô điện chạy bằng pin phát triển, đảm bảo cung ứng xe ô tô chạy bằng pin cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu trong thời gian tới.

Trước đó, vào giữa tháng 5, Tập đoàn Vingroup đề xuất tại cuộc họp với Chính phủ, các Bộ ngành về việc thí điểm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm với ôtô điện.

Ông Nguyễn Việt Quang - CEO Vingroup – nói rằng chính sách giúp doanh nghiệp "có thể khởi nghiệp thuận lợi hơn trong lĩnh vực có quá nhiều cạnh tranh như ô tô, đặc biệt là ô tô điện". 

Ông Quang cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế, cần phải có một hệ thống chính sách đồng bộ, khuyến khích cả nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng, cũng như xây dựng một hệ sinh thái thân thiện cho phương tiện chạy điện trong tương lai.

Hợp lý với lộ trình giảm trong vòng 5 năm 

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật về đề xuất của bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, đề xuất của bộ Tài chính quá chuẩn và tốt. Bởi xu hướng của các nước không sử dụng xe chạy bằng xăng, dầu (nhiên liệu hóa thạch); ưu tiên phát triển và sử dụng dòng xe nhiên liệu chạy pin để bảo vệ môi trường.

Kinh tế vĩ mô - Chuyên gia nói gì về đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô điện?

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long.

“Tôi đánh giá cao đề xuất này bởi LPTB chính là trực tiếp đánh vào người tiêu dùng và gián tiếp đánh vào doanh nghiệp. Giảm LPTB sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất ô tô điện chạy pin. Còn với người tiêu dùng sẽ khuyến khích họ sử dụng ô tô điện chạy bằng pin thay thế ô tô nhiên liệu hóa thạch, từ đó góp phần giảm khí thải phát tán ra môi trường. Đề xuất này cả người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất đều được lợi”, vị chuyên gia này nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, theo ông Long, đề xuất này cũng có tác động tiêu cực: “Giảm LPTB sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước. Bất kỳ chính sách thuế nào giảm cũng sẽ ảnh hưởng tới ngân sách nhà nước. Nhưng thực tế, nguồn thu này không đáng là bao nhiêu bởi ô tô điện chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số lượng xe ô tô đăng ký LPTB”.

Đồng tình với quan điểm của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay: “Đây là chính sách cần thiết để thúc đẩy việc sử dụng xe ô tô chạy pin, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này của Việt Nam. 

Bộ Tài chính đề xuất lộ trình giảm trong 5 năm là phù hợp bởi cần có một giai đoạn kích thích phát triển. Sau khi thực thi cũng cần đánh giá xem tác động hiệu quả như thế nào. 

Về lâu dài, cần nghiên cứu về các chính sách cụ thể, đồng bộ về phát triển thị trường xe điện, không chỉ là chính sách hỗ trợ tài chính mà cả cơ chế phát triển công nghệ cho xe điện, các chính sách phi tài chính khác. Các cơ chế chính sách như vậy mới có thể thu hút và hỗ trợ các nhà sản xuất phát triển công nghệ ở thị trường Việt Nam, tránh trường hợp các biện pháp hỗ trợ lại làm lợi cho xe nhập khẩu”.

Giảm 50% LPTB là thấp

Thế nhưng, chuyên gia ô tô Nguyễn Thanh Hải (Hải Kar) lại không lấy làm ngạc nhiên và đánh giá cao về đề xuất giảm 50% LPTB đối với ô tô điện chạy bằng pin của bộ Tài chính. 

“Theo cá nhân tôi, mức ưu đãi đó không có gì là ghê gớm cả bởi nhìn xung quanh có thể thấy, nhiều nước chú trọng phát triển sản xuất và sử dụng xe ô tô điện chạy pin có những ưu đãi lớn hơn nhiều từ thuế trước bạ cho đến nhiều ưu tiên khác.

Chẳng hạn, ở Trung Quốc, để ưu tiên phát triển, sử dụng cho xe điện, họ sẵn sàng cấp miễn phí biển số xe, thời gian thủ tục rất nhanh, còn với biển số cho xe xăng phải đấu giá, mất 6-12 tháng mới có biển. Tôi còn nhớ, trước năm 2018, Trung Quốc thậm chí còn hỗ trợ ngược lại tiền cho hãng xe sản xuất xe điện”, vị chuyên gia này cho hay.

Kinh tế vĩ mô - Chuyên gia nói gì về đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô điện? (Hình 2).

Chuyên gia ô tô Nguyễn Thanh Hải (Hải Kar).

Ông Hải nhấn mạnh: “Trên phương diện người người tiêu dùng, tôi nghĩ với đề xuất của Bộ có còn hơn không. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ có thể bộ Tài chính và các cơ quan khác có thể đề xuất một mức cao hơn. Tôi nghĩ đưa ra con số dựa trên tính toán công suất, lắp ráp xe ô tô điện chạy bằng pin của Vinfast hiện nay là 250.000 xe/năm. Thực ra, đó chỉ là lý thuyết và không đúng bởi thực tế, xe điện chưa có được chỗ đứng vững chắc như xe xăng, cộng với quy mô thị trường cả Việt Nam mới có khoảng 300.000 xe thì Việt Nam làm sao bán được xe điện 250.000 xe/năm”. 

Vị chuyên gia này cho rằng: “Việc phát triển xe điện vì môi trường là một câu chuyện lớn, là trách nhiệm của cả cơ quan nhà nước chứ không phải là chuyện của mỗi doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải có sự xuống tay, chung tay của các bộ ngành chẳng hạn như điện lực, bên cung cấp cơ sở hạ tầng…

Bởi, xe điện giá thành không cao nhưng chẳng hạn với số lượng 250.000 xe/năm đòi hỏi cơ sở hạ tầng dành cho ô tô điện như trạm sạc, điểm đỗ xe tính, quỹ đất để bố trí trạm sạc cho xe điện…. là một thách thức không hề nhỏ. Chính vì thế, tôi nghĩ các bộ ngành cũng phải chung tay để hỗ trợ và xem đấy là điểm phát triển cho tương lai, mục tiêu chung chứ không phải của riêng ai”. 

Xu hướng các nước trên thế giới hiện nay cũng ưu tiên phát triển và sử dụng dòng xe điện chạy pin. Năm 2020, xe ôtô điện chạy pin chiếm 2/3 lượng xe ôtô đăng ký mới. Xe ô tô điện chạy pin sử dụng những vật liệu có lợi cho môi trường và có nhiều tiện ích như tiết kiệm chi phí, không phát thải khi sử dụng ngoài môi trường, giảm tiếng ồn, có tác dụng trong việc cải thiện chất lượng không khí.

Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân của người dân rất cao. Số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh dẫn tới hệ lụy lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường lớn. Vì vậy, việc phát triển xe ô tô điện chạy pin sẽ rất phù hợp, nhất là tại các thành phố lớn, dân cư đông đúc.

Để khuyến khích việc sản xuất và sử dụng xe ô tô điện chạy pin, nhiều nước cũng miễn lệ phí đăng ký phương tiện hoặc thuế phương tiện đối với ôtô điện chạy pin như Hy Lạp, Hungary, Hà Lan, Tây Ban Nha, một số nước giảm hoặc thu ở mức thấp như Trung Quốc, Pháp, Phần Lan...

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.