Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn tiếp tục là nền tảng của an ninh toàn cầu, kiên định thích ứng với các động lực và thách thức đang phát triển trên trường quốc tế.
Đây là nhận định của ông Philippe Dickinson, Phó Giám đốc Sáng kiến An ninh xuyên Đại Tây Dương tại Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), theo kênh truyền hình quốc tế TRT World thuộc sở hữu của Tập đoàn Phát thanh-Truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ (TRT).
Trong một sự kiện được tổ chức tại Washington DC, Mỹ, được TRT World đưa tin hôm 26/6, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và sự bền bỉ của NATO trước những động lực an ninh toàn cầu đang gia tăng.
Bác bỏ những ý kiến cho rằng NATO cần phải có “sức đề kháng” trước ông Trump, ông Dickinson nói về tầm quan trọng xuyên suốt của liên minh này như một nền tảng của hợp tác an ninh xuyên Đại Tây Dương.
“Tôi bác bỏ giả định rằng NATO bằng mọi giá cần phải có sức đề kháng trước ông Trump vì dưới thời cựu Tổng thống, cam kết của Mỹ với châu Âu đã tăng lên. Tôi biết rằng những lời hoa mỹ chính trị chắc chắn chiếm ưu thế, nhưng chính sách thực tế là chính sách ủng hộ NATO”, ông Dickinson nói.
Nói về quá trình chuyển đổi lãnh đạo sắp xảy ra trong NATO, vị chuyên gia của Atlantic Council cho biết, ông Mark Rutte – với kinh nghiệm chính trị sâu rộng của một Thủ tướng Hà Lan – có thể điều hướng các thách thức phức tạp đối với liên minh và củng cố sự đoàn kết của NATO trong việc đương đầu với các mối đe dọa mới nổi.
“Tôi nghĩ ông ấy nên tập trung hoàn thành công việc của người tiền nhiệm (ông Jens Stoltenberg), bởi vì vị lãnh đạo tiền nhiệm này đã làm được những việc cực kỳ đáng khen ngợi, và ông Mark Rutte đã phát triển những kỹ năng thực sự khéo léo trong suốt sự nghiệp chính trị của mình ở quê nhà Hà Lan”, ông Dickinson nhận định.
Khi liên minh này kỷ niệm 75 năm thành lập vào tháng tới, có rất nhiều điều để các nhà lãnh đạo NATO ăn mừng nhưng cũng cần phải thận trọng trong những tháng và năm tới, tác giả Alexander Brotman viết trên Geopolitical Monitor hôm 25/6.
Theo vị chuyên gia, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Washington DC, từ ngày 9-11/7, cam kết của NATO với Ukraine có thể vẫn là một điểm “cộm” giống như tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Vilnius (Litva) năm ngoái.
Mỹ và Đức vẫn là những nước thận trọng nhất, luôn muốn nói về “cầu nối” cho Ukraine gia nhập NATO. Trong khi đó, Vương quốc Anh, Ba Lan và các nước vùng Baltic quyết tâm tuyên bố con đường của Kiev hướng tới NATO là “không thể đảo ngược”.
Nhưng mọi thứ đều không chắc chắn, với các cuộc bầu cử quan trọng sắp diễn ra ở các cường quốc hàng đầu NATO, bao gồm Pháp và Anh, và đặc biệt là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Minh Đức (Theo TRT World, Geopolitical Monitor)