Thông tin hàng loạt cây xà cừ tại Hà Nội mới đây bị đẽo gọt vỏ khiến dư luận quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, vỏ cây xà cừ chữa được bệnh, đặc biệt là bệnh ghẻ... nên không loại trừ khả năng có người đã "trộm" về chữa bệnh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc đẽo gọt vỏ cây xà cừ nhằm mục đích khác.
Để làm rõ những thông tin trên, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi cùng các chuyên gia xung quanh sự việc.
TS. Vật lý Nguyễn Văn Khải (người được mệnh danh là "ông già Ô Zôn") bác bỏ ý kiến vỏ cây xà cừ chữa được bệnh ghẻ. TS. Khải cho hay: “Tất cả các loại cây đều có tinh dầu và công dụng nhất định. Tuy nhiên, thông tin cây xà cừ chữa ghẻ là không chính xác, nó hoàn toàn không có tác dụng chữa ghẻ và tôi cũng chưa thấy ai dùng chữa ghẻ bao giờ”.
Bày tỏ quan điểm về việc đẽo gọt vỏ cây xà cừ, TS. Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Bạch Mai cũng phủ nhận thông tin vỏ cây xà cừ chữa được bệnh cũng như chữa được ghẻ. TS. Hùng nói: “Cây xà cừ là họ hàng nhà lim. Ngày xưa cây này còn được gọi là cây lim trắng. Trong Đông y, việc nói vỏ cây xà cừ chữa bệnh là không hề có, thậm chí cây này còn độc. Khi lá xà cừ rơi xuống suối thì tôm cá không sống được”.
“Chữa ghẻ ngày xưa thì liên quan đến rễ cau nhiều hơn. Tôi cũng chưa nghe người ta nói cây xà cừ chữa ghẻ bao giờ nên tôi cho rằng mục đích đẽo gọt xà cừ là khác chứ không phải chữa ghẻ”, TS. Dương Đức Hùng kết luận.
Một chuyên gia Đông Y cho biết, từ trước tới nay chưa có sách hoặc tài liệu nghiên cứu nào khẳng định vỏ cây xà cừ dùng để chữa các bệnh ngoài da như ghẻ lở, hắc lào... Vị này cũng khẳng định, vỏ xà cừ hoàn toàn không có tác dụng làm thuốc. Thậm chí, trong thuốc nam chưa có bài thuốc nào sử dụng loại vỏ cây này.
Theo ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, cây xà cừ không có tác dụng chữa bệnh. Trong sách Đông y ông từng đọc và nghiên cứu cũng không hề nhắc đến loại cây này.
Cũng theo ông Hướng, nói cây xà cừ có tác dụng chữa bệnh chỉ là lời đồn thổi. Đây là loại cây có nhiều độc, chính vì thế, ở các vùng quê, không ai làm giếng ở gần cây xà cừ.
Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cảnh báo, dùng cây xà cừ làm thuốc sẽ mang họa vào thân. Cây này không những không chữa được bệnh mà dùng có thể gây dị ứng, nhiễm độc. “Người dân đừng nghe lời đồn thỏi, mắc lừa thiên hạ để tiền mất tật mang”, ông Hướng nói thêm.
Anh Trần Đức Thịnh, chủ một xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở huyện Thường Tín, cho hay: “Một số ý kiến nói rằng họ lấy mấu cây (phần lồi ra) về làm đồ mỹ nghệ là không đúng. Mấu của cây xà cừ không có giá trị nên các thợ mộc không dùng để làm đồ trang trí mỹ nghệ. Nếu có lấy mấu làm đồ mỹ nghệ thì phải là mấu của cây gỗ quý như hương, ghụ, nghiến”.
“Cũng không loại trừ khả năng có người muốn hủy hoại cây. Trước đây, tôi từng chứng kiến, một số cây đang xanh tươi bị làm cho chết khô. Khi cây còn xanh, một số người đã đẽo lấy vỏ cây, sau đó đục vào bên trong chỗ cây bị đẽo một lỗ khoảng 70cm. Sau đó, người ta đổ dầu vào bên trong và bít lại. Một thời gian sau, cây đó sẽ tự chết khô, giống kiểu chết khô tự nhiên”, anh Thịnh nêu.
Trong một diễn biến khác, lãnh đạo công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho hay, đơn vị đang phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ vụ việc loạt cây xà cừ bị đẽo gọt này.
Nhất Nam