Thời gian gần đây, người dân tại TP.HCM phản ánh việc nền nhà bị rung lắc mỗi khi có xe tải đi qua, hay tại các khu vực gần công trình thi công lớn là chuyện bình thường.
Chị Lê Thị Hà (ngụ khu phố 5, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: “Khoảng 7h30 ngày 14/3, chúng tôi phát hiện nền nhà có hiện tượng rung lắc. Trước đây, mỗi khi xe tải đi qua, tôi thấy thi thoảng có rung nhẹ nhưng hôm qua lại xuất hiện rung lắc mạnh hơn".
Anh Nguyễn Văn Nam - sinh viên trường ĐH Sư Phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết, phòng trọ của anh cũng có hiện tượng rung lắc. Anh Nam chia sẻ: “Lúc xảy ra hiện tượng rung lắc, tôi ngồi viết báo cáo thực hành, nên rất bất ngờ, tôi cứ tưởng là động đất. Quay qua các phòng trọ khác, người dân đã đóng cửa đi làm. Tôi tới những nhà dân gần đó hỏi thăm thì họ đều cho biết, hiện tượng rung nền nhà là bình thường, vì ở đây là khu vực xe có trọng tải lớn thường đi qua. Đáng nói, một phòng trọ gần chỗ tôi cũng bị nứt tường sau khi có hiện tượng này. Tôi nghĩ hiện tượng này khá nghiêm trọng, khiến cho người dân rất bất an”.
Tại khu vực quận 1, trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm và một số hộ dân sống tại khu vực này cũng có những rung lắc nền nhà khiến học sinh và phụ huynh vô cùng lo lắng. Nhiều người còn lo ngại rằng nếu tình trạng này tiếp diễn ngày càng xấu đi, thật khó lường hết được hậu quả.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Kỳ Phùng - Phó giám đốc sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết: “Đối với các vấn đề liên quan đến rung lắc nền nhà trên địa bàn TP.HCM, phía Sở đã nắm được thông tin về việc rung lắc nền tại trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), còn những khu vực khác chúng tôi vẫn chưa nắm được. Bởi, việc nền đất bị rung lắc, phía người dân và chính quyền nơi đó có báo lên thì chúng tôi mới nắm được. Ví dụ như, ban giám hiệu trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm thông báo việc rung lắc tại một số phòng học, chúng tôi ngay lập tức phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường, sở Xây dựng và UBND quận 1 (TP.HCM) tiến hành tìm hiểu, điều tra, khảo sát".
Ông Phùng cho biết thêm: “Theo đó, những hiện tượng rung lắc tại trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải do tự nhiên mà do các yếu tố của con người như việc thi công xây dựng tòa nhà của Đài truyền hình, cộng với các hoạt động đào công trình ngầm của tuyến Metro đã tạo ra sự cộng hưởng gây nên biệt độ dao động lớn, khiến nền nhà bị rung lắc. Vì thế, chúng tôi đã đặt thiết bị quan trắc để dò mức độ dao động rung lắc trên địa bàn này để kiểm tra”.
"Tuy nhiên, kể từ khi đặt thiết bị quan trắc để dò thì không hề ghi nhận thêm lần rung lắc nào nữa. Phía ban giám hiệu trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng cho biết không còn hiện tượng rung lắc. Về hiện tượng rung lắc tại những khu vực như Xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức), khu vực sông Vàm Thuật (quận Bình Thạnh), chúng tôi chưa nghe báo cáo. Vì thế, chưa thể có thông tin cụ thể,…”, TS. Phùng cho biết.
TS Đỗ Văn Lĩnh - Phó liên đoàn trưởng, Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam cho biết: “Sau khi biết được hiện tượng rung lắc không phải do tự nhiên, chúng tôi cũng có đưa ra nguyên nhân phỏng đoán là do các tác động của công trình xây dựng do con người tạo ra. Ngoài ra, sự tác động này còn cộng hưởng với nền đất ở khu vực đó như thế nào? Với trường hợp rung lắc tại trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhiều người có ý kiến cho rằng nguyên nhân xảy ra rung lắc tại đây là do xuất hiện công trình xây dựng lớn của Đài truyền hình. Vì thế, quá trình đào tầng hầm của công trình cộng hưởng với sức mạnh của những chiếc xe tải có trọng lượng lớn đã gây nên hiện tượng rung lắc. Còn với các dãy nhà tại khu vực Xa lộ Hà Nội xảy ra rung lắc cũng là do thi công công trình tuyến Metro gần đó. Tuy nhiên, đây chỉ là giả thiết ban đầu”.
Thạc sĩ Tô Ngọc Lâm - chuyên gia địa chính đo đạc đất đai TP.HCM cũng phân tích: “Thực ra, nền đất TP.HCM khá yếu, phần lớn chủ yếu là đất bùn, đất sét, khả năng hóa lỏng sẽ rất cao. Đó là chưa tính ngày xưa, khu vực này có nhiều bãi bồi, đầm lầy,… Sau khi người dân đến sinh sống mới san lấp. Vì thế, khi thi công các công trình, đào hầm, hệ thống ngầm chằng chịt dưới lòng đất đã gây nên hiện tượng chùn nền đất. Chính việc chùn này đã gây biến động, xáo trộn trong lòng đất gây ra hiện tượng rung lắc. Về phía một số dãy nhà trọ ở Xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức), do xây dựng móng nhà không vững chắc, ngoài ra kết cấu nền đất yếu nên khi xe tải đi qua đã tạo nên hiện tượng rung lắc và kèm theo đó là những vệt nứt trên tường”.
Lành Nguyễn - Dương Hạnh