Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vấn đề này là luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch liên đoàn Luật sư Việt Nam đã nêu ra quan điểm của mình.
Thưa ông, chúng ta có thể đánh giá chung như thế nào về các loại tội phạm dâm ô trẻ em ngày càng nhiều như hiện nay?
Rõ ràng mà nói, thực trạng xâm phạm tình dục trẻ em ngày càng gia tăng với tính chất, mức độ ngày cành nghiêm trọng và phức tạp. Điều này đang báo hiệu về suy đồi đạo đức của một bộ phận người lớn.
Để phát hiện và xử lý kịp thời và nghiêm minh những vụ xâm hại tình dục trẻ em là rất khó khăn. Bởi hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em không bắt quả tang, không có người làm chứng.
Trong nhiều vụ việc, do bị hại là các cháu bé nên không nhận thức được là mình bị xâm hại. Cũng có nhiều gia đình có trẻ bị xâm hại thường lo sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình, sự phát triển tâm sinh lý và cuộc sống sau này của trẻ nên không muốn trình báo cơ quan chức năng.
Chính điều này khiến sự vào cuộc và xử lý của cơ quan chức năng có phần chưa được hiệu quả, nhanh chóng như dư luận xã hội mong chờ. Thậm chí, nhiều vụ án đã xác định được đối tượng thì họ lại tự gặp nhau thương lượng, giải quyết.
Liệu chúng ta có thể làm gì trước tình trạng này, thưa luật sư?
Để khởi tố một vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân thủ đầy đủ các bước theo luật định, xác minh thu thập đầy đủ chứng cứ vật chất để có căn cứ xử lý.
Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em có nhiều tầng lớp, nhiều lứa tuổi và không chỉ là người Việt Nam mà có cả người nước ngoài. Hoạt động xâm hại tình dục trẻ em ở cả vùng sâu, vùng xa, trên môi trường mạng internet và trong cả thang máy của những toà nhà chung cư. Chính vì vậy, công tác tăng cường giáo dục giới tính, cách tự bảo vệ mình cho trẻ là rất cần thiết.
Theo ông, hành vi dâm ô trẻ em nên được hiểu như thế nào?
Cụm từ “ấu dâm” là miêu tả hành vi lạm dụng tình dục đối với trẻ em dưới 14, thậm chí có trường hợp các cháu đang ở lứa tuổi mẫu giáo. Trong khi đó, những đối tượng xâm hại trẻ em có thể là người trẻ, có thể là người già, thậm chí là người thân thích, người có học thức đến người lao động bình thường. Hành vi xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi, trong nhà trường và ngoài xã hội.
Đối với hành vi xâm phạm tình dục trẻ em, đó là hành vi “dâm ô” và “hiếp dâm trẻ em”. Đối với nhóm tội xâm hại tình dục trẻ em, Bộ luật Hình sự 1999 và 2015 sửa đổi 2017 đã đề cập liên quan nhiều tới hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Tuy vậy, định nghĩa về tội dâm ô trẻ em cũng chỉ miêu tả: “Dâm ô đối với trẻ em là hành vi của người đã thành niên dùng mọi thủ đoạn có tính chất loạn dâm dục đối với người dưới 16 tuổi, nhằm thỏa mãn dục vọng của mình nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân”.
Vì vậy, để phân tích đặc trưng về hành vi dâm ô trẻ em thì trong luật chưa có diễn giải cụ thể. Tuy nhiên, tại Điều 116 Bộ luật Hình sự quy định về tội Dâm ô trẻ em chỉ là “Người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm…”. Đối với tội Hiếp dâm thì đã có quy định rất rõ và cụ thể trong Bộ luật Hình sự.
Cuối cùng, các cơ quan thực thi pháp luật nên làm gì để hoàn thiện pháp lý đối với loại tội phạm này, thưa luật sư?
Chế tài xử phạt đối với tội dâm ô trẻ em phải đảm bảo tính có căn cứ, nghiêm minh của pháp luật và mang tính trừng trị nghiêm khắc. Từ thực tế, vấn đề đặt ra có nên áp dụng án lệ đối với tội Dâm ô trẻ em hay không?
Trong khi án lệ là những nguyên tắc không theo luật định được đưa ra từ các quyết định tư pháp, hay là hệ thống những nguyên tắc bất thành văn đã được công nhận và hình thành thông qua các quyết định của Toà án.
Trước tiên, đây là trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao. Việc ban hành Nghị quyết hướng dẫn cụ thể về hành vi dâm ô đối với trẻ em, để thống nhất và thuận lợi áp dụng trong thực tiễn là điều mà cả xã hội đều mong đợi.
Cảm ơn ông đã chia sẻ!