Trước đó, trả lời báo chí, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng bộ GD&ĐT cho biết: Năm nay, Bộ cho phép các sở GD&ĐT phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông cũng như nhiều đơn vị khác được phép công bố điểm thi THPT Quốc gia năm 2017 nên thí sinh hoàn toàn yên tâm về độ chính xác cũng như sự thuận tiện khi tra cứu điểm thi.
Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi: Công khai điểm thi liệu có ảnh hưởng quyền riêng tư?
Ông Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (bộ Tư pháp) thừa nhận, ý kiến về việc công khai điểm thi sẽ xâm phạm quyền bí mật đời tư không phải là không có căn cứ.
Nguyên Cục trưởng nhấn mạnh: “Việc công khai kết quả thi theo nguyên tắc công khai là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần công khai những thông tin gì và mức độ công khai điểm thi đến đâu là đủ thì bộ GD&ĐT cần phải cân nhắc, tính toán một cách kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng”.
Cũng bàn về vấn đề này, luật sư Nghiêm Quang Vinh (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) lo ngại, có thể một số đối tượng xấu lợi dụng việc công khai thông tin thí sinh để nhục mạ và gây sức ép cho ai đó. Từ đây, dễ dẫn đến những tai họa khó lường như học sinh bỏ nhà ra đi, tệ hại hơn là tự tử do bị tổn thương về tâm lý, vì xấu hổ với bạn bè, thầy cô, hàng xóm bởi điểm thi thấp.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Vinh đã dẫn chiếu Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
* Thông tin chi tiết về quan điểm, căn cứ pháp lý và những hệ luỵ mà các chuyên gia đặt ra với việc công khai điểm thi THPT của bộ GD&ĐT sẽ được đăng tải đầy đủ trên báo Đời sống & Pháp luật, số ra thứ 2 ngày 10/7.
Thúy An