Chuyên gia quốc tế "hiến kế" cải cách quản lý nợ công

Trần Thu Thảo

Trần Thu Thảo

Thứ 3, 23/08/2022 20:20

Việt Nam đòi hỏi cần có sự quản lý đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp hóa để tăng hiệu quả hoạch định chính sách và đạt được cơ cấu chi phí - rủi ro nợ công phù hợp.

Tại Hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế về cải cách quản lý nợ công" sáng 23/8 do Bộ Tài chính phối hợp cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tổ chức, các chuyên gia quốc tế đã hiến kế cho Bộ Tài chính về việc cải cách quản lý nợ công.

Thiết lập mô hình DMO tập trung các chức năng quản lý nợ

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc tổ chức mô hình cơ quan quản lý nợ hết sức đa dạng, có nhiều cách tiếp cận, phương thức quản lý nợ khác nhau. Nhiều quốc gia đã lựa chọn thiết lập cơ quan quản lý nợ công (DMO) để tập trung các chức năng quản lý nợ nhằm đạt đến trình độ chuyên nghiệp hóa cao.

Đối với Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, hiện nay chính sách quản lý nợ công gắn với chính sách tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, chính sách quản lý nợ công mới chủ yếu tập trung vào huy động các nguồn vay ưu đãi, nghiệp vụ theo thông lệ quốc tế chưa thực hiện đầy đủ như: giám sát và đánh giá tất cả các khoản vay và giao dịch nợ để đảm bảo phù hợp với các thông số rủi ro đề ra trong chiến lược nợ; giám sát rủi ro toàn bộ danh mục nợ chính phủ, kết nối giữa chính sách quản lý ngân quỹ và quản lý nợ công, cơ sở dữ liệu chia sẻ chung về nợ công…

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước thu nhập trung bình cao, xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức đầu tư. Trong bối cảnh vị thế, vai trò kinh tế của Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực, khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi sẽ giảm đi, danh mục nợ sẽ phát sinh thêm nhiều loại rủi ro, đòi hỏi có sự quản lý đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp hóa để tăng cường hiệu quả hoạch định chính sách và đạt được cơ cấu chi phí - rủi ro nợ công phù hợp với mục tiêu quản lý đặt ra.

Kinh tế vĩ mô - Chuyên gia quốc tế 'hiến kế' cải cách quản lý nợ công

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi tại hội thảo. (Ảnh: Bộ Tài chính)

Theo Thứ trưởng, việc nghiên cứu phát triển mô hình DMO với đầy đủ chức năng theo thông lệ quốc tế phù hợp với trình độ phát triển nhu cầu quản lý của Việt Nam trong từng giai đoạn là cần thiết. Song song với cải cách thể chế, sẽ tiếp tục hoàn thiện công cụ quản lý nợ, cơ chế kiểm soát rủi ro đảm bảo dư địa tài khóa và chính sách để phấn đấu mục tiêu nêu trên.

"Chúng tôi mong muốn các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về thể chế quản lý nợ công và đưa ra khuyến nghị lộ trình cải cách phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thể chế quản lý của Việt Nam", Thứ trưởng kỳ vọng.

Giao cơ quan quản lý nợ chuyên trách 

Tại Hội thảo, các chuyên gia của IMF và WB cho rằng, dù ở bất kỳ thể chế nào, nền kinh tế nào, thông lệ tốt của quốc tế là tập hợp các chức năng quản lý nợ về một nơi và giao cho một cơ quan quản lý nợ chuyên trách. Làm thế nào để vận dụng được các kinh nghiệm đó để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam trong từng giai đoạn, từng thời kỳ.

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong công tác quản lý nợ công. Tuy nhiên, cơ chế quản lý nợ của Việt Nam vẫn mang tính phân tán. Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) là cơ quan đầu mối phụ trách về quản lý nợ nước ngoài. Nợ trong nước lại được quản lý bởi một loạt các đơn vị khác như Kho bạc Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Vụ Ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cũng có vai trò nhất định trong quản lý, giám sát nợ nước ngoài.

"Sự sắp xếp mang tính phân tán này dẫn đến thông tin không tập hợp, thiếu nhất quán nên ảnh hưởng đến việc ra quyết định. Do đó, cần thống nhất các chức năng quản lý nợ như trong chiến lược nợ công đã đề ra", đại diện IMF nói.

Đồng quan điểm, bà Stefanie Stallneister - Giám đốc điều hành Danh mục Dự án của WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực về phát triển kinh tế và đã tiến lên bậc cao hơn về thu nhập. Trong thời gian tới, Việt Nam cũng cần nhiều vốn hơn để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra (là nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030; trung hòa các-bon vào năm 2050…) nhưng lại phải tiếp cận với vốn ưu đãi giảm vì đã trở thành nước có thu nhập trung bình.

Kinh tế vĩ mô - Chuyên gia quốc tế 'hiến kế' cải cách quản lý nợ công  (Hình 2).

Bà Stefanie Stallneister - Giám đốc điều hành Danh mục Dự án của WB tại Việt Nam khẳng định, WB sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu quản lý nợ công. (Ảnh: Bộ Tài chính)

Theo bà Stefanie Stallneister, các quốc gia như Indonesia, Thái Lan đã thành lập văn phòng cơ quan quản lý nợ công độc lập, cùng với các cơ quan chuyên môn để phát huy sức mạnh trong công tác quản lý nợ. Tại Việt Nam, để quản lý nợ hiệu quả, Bộ Tài chính cũng đã có kế hoạch thành lập văn phòng quản lý nợ vào năm 2030. Đây là thách thức đòi hỏi phải có cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý về nội dung này.

Thiết lập DMO mới chỉ là bước khởi đầu

Ông Mike Williams, chuyên gia độc lập của IMF cho biết, có 6 yếu tố cấu thành nên một thông lệ quản lý nợ công tốt, gồm: Mục tiêu quản lý nợ và sự phối hợp; minh bạch và trách nhiệm giải trình; khuôn khổ thể chế; chiến lược quản lý nợ; khuôn khổ quản lý rủi ro; phát triển, duy trì một thị trường hiệu quả cho trái phiếu Chính phủ.

Đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh nào, việc tập trung các chức năng quản lý nợ về một nơi và hình thành cơ quan quản lý nợ chuyên trách là xu hướng, thông lệ tốt của thế giới. Cơ quan này có thể độc lập, thuộc Bộ Tài chính hoặc thuộc Ngân hàng Nhà nước. Thiết lập mô hình cơ quan quản lý nợ (DMO) mới chỉ là bước khởi đầu và không phải tất cả các DMO đều thành công ngay - ít nhất trong giai đoạn đầu.

Bàn về câu chuyện có nên tích hợp hai chức năng quản lý ngân quỹ và quản lý nợ với nhau hay không, ông Williams cho biết, không phải lúc nào cũng cần sáp nhập hay tích hợp hai chức năng này với nhau. Thực tế, nhiều nước đã tích hợp 2 chức năng quản lý ngân quỹ và quản lý nợ là một. Khi tích hợp về cơ bản, cùng một cơ quan sẽ phát hành các công cụ nợ và quản lý ngân quỹ và xử lý nghiệp vụ liên quan.

Kể cả khi tách thành hai cơ quan độc lập với hai chức năng riêng biệt nhưng một số quốc gia thiết lập ủy ban hoặc ban điều phối chung giữa quản lý nợ và quản lý ngân quỹ để đảm bảo hiệu quả. "Theo tôi, Việt Nam chưa nhất thiết phải sát nhập hai chức năng này làm một", ông Williams nói.

Kinh tế vĩ mô - Chuyên gia quốc tế 'hiến kế' cải cách quản lý nợ công  (Hình 3).

Toàn cảnh Hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế về cải cách quản lý nợ công". (Ảnh: Bộ Tài chính)

Trong khi đó, ông Lars Jessen, chuyên gia trưởng về nợ, Ban MTI, WB cho rằng trọng tâm của quản lý nợ công là cơ cấu nợ và giá trị chịu rủi ro chứ không phải quy mô nợ. Chính sách kinh tế vĩ mô và quản lý nợ có mục tiêu, công cụ khác nhau, điều quan trọng là phải tách biệt các vai trò và trách nhiệm của các bên nhưng vẫn phải đảm bảo sự phối hợp với nhau. Bền vững tài khóa và nợ nhìn chung được quyết định bởi chính sách tài khóa. Quản lý nợ tập trung vào cơ cấu nợ. Cơ quan quản lý nợ quyết định khi nào vay, vay bằng gì nhưng không quyết định vay bao nhiêu.

Các chỉ tiêu chiến lược về quy mô nợ không phải những chỉ tiêu quản lý nợ có ý nghĩa vì cơ quan quản lý nợ không chịu trách nhiệm với những chỉ tiêu đó. Việc tách biệt giữa quản lý nợ với chính sách tài khóa, tiền tệ tạo điều kiện xác lập mục tiêu rõ ràng cho từng lĩnh vực. Chiến lược quản lý nợ cần nhất quán với các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.