Năm 2006, nước ta đã đạt mức sinh thay thế và giữ được mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; duy trì mức độ gia tăng dân số phù hợp hằng năm; quy mô dân số đạt hơn 100 triệu người.
Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tạo ra những lợi thế to lớn cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội; phân bố dân số đã hợp lý hơn; chất lượng nguồn nhân lực, chỉ số phát triển con người ngày càng được cải thiện; tuổi thọ bình quân người Việt Nam ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới nảy sinh đối với vấn đề dân số.
Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) xoay quanh thành tựu và thách thức trong công tác dân số.
Ngăn chặn thành công bùng nổ dân số
NĐT: Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật chúng ta đã đạt được trong công tác dân số những năm qua?
Ông Nguyễn Đình Cử: Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm vấn đề dân số, ngay từ năm 1961 đã ban hành Quyết định 216 về việc sinh đẻ có hướng dẫn (tức là kế hoạch hóa gia đình).
Quyết định 216 đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tiên phong trong lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình và phải tới năm 2006 chúng ta mới đạt được mức sinh thay thế tức là mỗi cặp vợ chồng bình quân có 2,1 con.
Từ lúc đặt vấn đề kế hoạch hóa gia đình năm 1961 cho đến năm 2006, mất 45 năm mới đưa được là mức sinh cao từ 6,8 con xuống 2,1 con. Điều này cho thấy, công tác dân số rất là vất vả, khó khăn, đòi hỏi phải rất kiên trì.
Ngày nay chúng ta có cơ cấu dân số vàng, tức là tỉ lệ lao động trong dân số rất cao khoảng 68%.
Thêm nữa, theo các nhà khoa học, nếu để sinh đẻ tự nhiên mà không kế hoạch hóa gia đình thì 2023 chúng ta phải có 209 triệu dân chứ không phải là 100 triệu dân như hiện nay.
Điều này cho thấy là chúng ta đã ngăn chặn thành công bùng nổ dân số.
Do mức sinh thấp nên về mặt xã hội, đã giảm nhẹ được áp lực dân số lên hệ thống giáo dục, dân số thì tăng lên nhưng số học sinh tiểu học lại giảm xuống nhiều. Do gia đình có 2 con nên bố mẹ có thể cho cả 2 con trai và con gái đều được đi học, đây là nhân tố cơ bản để tạo ra bình đẳng nam nữ, thể hiện sự tiến bộ về mặt xã hội.
Ngoài ra, cùng với sự tiến bộ kinh tế - xã hội, chính sách 2 con đã nâng cao cái chất lượng dân số Việt Nam. Hiện nay, chúng ta là một trong những nước vào trong nhóm có chỉ số phát triển con người và loại cao.
Khi số con ít đi thì quy mô gia đình nhỏ đi, quy mô gia đình năm 1979 là 5,2 người/hộ gia đình thì bây giờ chỉ có 3,5 người/1 hộ. Tất cả các cuộc khảo sát mức sống dân cư của Việt Nam từ năm 1992 đến nay đều chứng minh: “Quy mô gia đình càng nhỏ thì thu nhập bình quân đầu người càng cao và chi tiêu bình quân đầu người càng lớn”.
Điều này cho thấy, kế hoạch hóa gia đình đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo.
NĐT: Ông đánh giá thế nào về những tác động tích cực và bất cập qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số?
Ông Nguyễn Đình Cử: Tôi cho rằng, Pháp lệnh Dân số đã mang lại tác động tích cực đối với bức tranh dân số của nước ta. Nhưng vì chỉ là pháp lệnh nên hiệu lực pháp luật chưa cao.
Chẳng hạn, như quy định lồng ghép yếu tố dân số vào trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên thực tế chưa được thực hiện một cách đầy đủ. Do đó, gây ra nhiều hệ lụy “cái mà chúng ta cần thì lại không có mà cái chúng ta có thì lại chưa cần thiết”.
NĐT: Ông có nhắc đến việc lồng ghép các yếu tố dân số vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội chưa được chú trọng đúng mức, gây tình trạng lãng phí trong đầu tư phát triển. Xin ông phân tích rõ hơn về điều này?
Ông Nguyễn Đình Cử: Tôi lấy ví dụ, hiện nay, nước ta già hóa dân số rất nhanh. Nếu năm 1979 chúng ta chưa đến 4 triệu người cao tuổi nhưng bây giờ lên 12 triệu người cao tuổi. Tuy nhiên, đào tạo bác sĩ về lão khoa hay đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi lại không theo kịp. Như vậy, rõ ràng chúng ta chưa tính đến yếu tố cơ cấu dân số biến đổi nhanh để thích ứng.
Hoặc tỉ lệ trẻ em trong tổng dân số giảm rất nhanh. Nếu như năm 1979 có tới 43% trẻ em trong tổng dân số (tức là dưới 15 tuổi) thì đến năm 2019 chỉ còn có 23% (tỉ lệ này giảm gần một nửa). Tuy nhiên, đào tạo về giáo viên, đặc biệt giáo viên tiểu học hay xây dựng trường học vẫn phát triển nhanh điều này không thích ứng với xu hướng tỉ lệ trẻ em giảm.
Như vậy, có thể gây nên lãng phí nguồn nhân lực cũng như cơ sở trường học. Lẽ ra phải tập trung phát triển theo chiều sâu thì vẫn có những giai đoạn chúng ta phát triển theo chiều rộng.
NĐT: Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật Dân số, một trong những chính sách cơ bản của Luật Dân số là "Duy trì mức sinh thay thế". Trong đó, dự thảo Luật Dân số đưa ra đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2. Đồng thời, miễn, giảm, hỗ trợ chi phí cho học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học, ông nghĩ sao về đề xuất này?
Ông Nguyễn Đình Cử: Chúng ta cứ nói trong khoảng 20 năm qua chúng ta duy trì được mức sinh thay thế nhưng tôi thấy chỉ có 4 năm là duy trì được mức sinh thay thế, còn lại 14 năm là dưới mức sinh thay thế.
Đặc biệt, bây giờ Việt Nam chỉ còn có 1,96 con/phụ nữ, tức là giảm sâu dưới mức sinh thay thế.
Hiện nay, chúng ta vẫn duy trì Pháp lệnh Dân số năm 2008 - quy định mỗi cặp vợ chồng có quyền và nghĩa vụ sinh một hoặc 2 con. Việc chúng ta vẫn xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên, tôi cho rằng những quy định này hiện nay không còn thích hợp với tình hình mức sinh đã thấp, giảm thấp trong nhiều năm qua.
Siết quy định cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi
NĐT: Quan niệm trọng nam hơn nữ, tâm lý ưa thích con trai vẫn còn nặng nề trong một bộ phận dân cư khiến tỉ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao, trong khi đó tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn chậm khắc phục, nhất là ở vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc. Thực trạng này gây ra những hệ luỵ như thế nào đến mất cân bằng giới tính và phát triển nguồn nhân lực?
Ông Nguyễn Đình Cử: Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chúng ta biết, năm 2017 Nghị quyết 21 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã đề cập vấn đề này và lúc bấy giờ tỉ số giới tính khi sinh của chúng ta là 112 (100 bé gái/112 bé trai). Đến nay, tỉ số này hầu như không giảm.
Theo tôi, nguyên do của tình trạng này là do văn hóa của người Việt, đặc biệt tư tưởng nho giáo phong kiến trọng nam hơn nữ. Thêm nữa, hiện nay lạm dụng kỹ thuật và trình độ phát triển kinh tế - xã hội chưa cao.
Hiện nay, thế hệ bố mẹ có lương hưu còn thấp, nên phải dựa vào con, dựa vào con thì thì lại cũng lại theo văn hóa Việt Nam tức là con gái thì đi lấy chồng, bố mẹ thường ở với con trai.
Còn nếu 100% người cao tuổi có lương hưu, đảm bảo đời sống đầy đủ thì có lẽ nhu cầu có con trai để ở với con trai cũng ít đi.
Ngoài ra, về mặt pháp luật mới có Pháp lệnh Dân số và pháp lệnh cũng đã nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Nhưng, hiệu lực của pháp lệnh chưa cao.
Do đó, trong dự thảo Luật Dân số lần này cần đưa điều này vào và được thể hiện trong luật Dân số để tăng tính hiệu lực của pháp luật.
Bên cạnh đó, khâu kiểm tra, giám sát việc thi hành Pháp lệnh trong những năm qua chưa thực sự mạnh mẽ. Do đó, cần phải nâng cao hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm khắc thì mới hạn chế được tình trạng này.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông!.
Cần thay đổi quan điểm về sinh con
Trước đó, thảo luận tổ tại Quốc hội về kinh tế - xã hội ngày 26/10/2024, bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Tp.HCM bày tỏ trăn trở: "Việt Nam đang nỗ lực nâng cao tỉ suất sinh, nhưng Đảng viên sinh con thứ 3 vẫn bị kỷ luật".
Bà dẫn chứng có trường hợp đảng viên sinh con thứ ba, bác sĩ kết luận dù dùng biện pháp tránh thai những vẫn gặp "tai nạn". Sau đó, các bác sĩ phải làm việc với cơ quan chức năng để xác nhận xem việc cấp giấy chứng nhận mang thai ngoài ý muốn như vậy có đúng hay không.
"Cán bộ đảng viên sắp đến kỳ bổ nhiệm mà sinh con thứ ba là coi như xong rồi. Nhất là gần đại hội đảng bộ cơ sở, có người không có khuyết điểm gì nhưng bị đơn thư là sinh con thứ ba", bà Lan nêu thực trạng.
Vì vậy, nữ đại biểu đoàn Tp.HCM đề nghị cơ quan chức năng sớm sửa đổi các quy định này, bởi đây đều là những việc trong tầm tay. “Chủ trương kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba có thể đúng ở giai đoạn trước, còn hiện nay tỉ suất sinh của Việt Nam xuống thấp thì cần thay đổi quan điểm về sinh con", bà Lan nói.
Hoàng Bích - Ngọc Tân