Nghe audio: Chuyên gia phân tích việc ăn cỗ lấy phần chủ nhà bị phạt
Liên quan đến thông tin đang gây xôn xao dư luận, về việc một số địa phương ở huyện Giao Thuỷ (tỉnh Nam Định) có đưa ra yêu cầu ăn cỗ không lấy phần, nếu chủ nhà để khách ăn cỗ lấy phần về thì sẽ bị xử phạt tiền. Theo đó, trước khi gia đình có cỗ, sẽ lên UBND xã để nộp tiền đặt cọc 3 triệu đồng, nếu khách lấy phần về thì chủ nhà sẽ bị phạt tuỳ vào mức độ trừ vào số tiền gia đình đó đặt cọc.
Thông tin này được chia sẻ đã nhận về nhiều ý kiến tranh luận trái chiều của dư luận. Trước những ý kiến trái chiều, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe chia sẻ, phân tích từ chuyên gia, giáo sư, viện sĩ (GS.VS) Lương Ngọc Huỳnh.
Thưa GS.VS Lương Ngọc Huỳnh, tục ăn cỗ lấy có nguồn gốc từ khi nào và tại sao lại có tục lệ này?
Xét về góc độ văn hoá của Việt Nam từ ngày xưa, đặc biệt ở một số các tỉnh phía Bắc, khi đi ăn cỗ người dân sẽ chia phần trong mâm cơm. Cái gì chia được thì gói mang về cho con cháu ở nhà, còn người trực tiếp đi ăn cỗ thì chỉ ăn rau, ăn canh… Điều này, xuất phát từ ngàn đời.
Bởi, ngày xưa người Việt rất nghèo, đói khổ, đến Tết có khi mới được ăn thịt. Còn chuyện bố mẹ đi ăn cỗ mà lấy phần về cho con thì không vi phạm về đạo đức, cũng không vi phạm về văn hoá.
Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin một số địa phương tại huyện Giao Thuỷ, Nam Định vận động văn minh văn hóa ở địa phương, làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần, nếu để khách lấy phần chủ nhà sẽ bị xử phạt. Theo GS.VS quy định này có phù hợp?
Tôi cho rằng đây là yêu cầu, quy định thiếu văn hoá, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Làm như vậy, vô hình chung tạo cho người làm cỗ hoặc người mang cỗ về có một sự khó nghĩ trong giao tiếp.
Tôi nói ví dụ, người tổ chức đám cưới cho con khách mời khoảng 300 khách, nhưng chỉ 200 khách đến, vậy số cỗ không ăn hết có thể chia cho hàng xóm xung quanh, nếu không chia thì bỏ đi có lãng phí không?
Có thể thấy, người châu Âu khi đi ăn hàng quán, không ăn hết, trước khi ra về có yêu cầu nhân viên nhà hàng gói lại thức ăn mang về, nếu lấy về mà bị xử phạt thì đấy có gọi là không văn hoá?
Nên tôi cho rằng, làng nào ở Nam Định mà đưa ra yêu cầu, quy định này dù có nói là trong hương ước làng đi chăng nữa thì cũng không ổn.
Việc vận động này được cho là góp phần xây dựng văn hoá văn minh, vậy ý kiến của ông thế nào?
Lấy cái gì để khẳng định lấy phần và không lấy phần là văn minh? Tôi phản đối việc này, đây là quy định lập dị, cần phải bỏ và thay đổi tư duy này.
Còn nếu lấy lý do đồ ăn thừa không nên mang về gây mất vệ sinh, bệnh tật, truyền dịch thì có vẻ hợp lý. Nhưng chỉ nên ở mức khuyến cáo thôi, chứ không nên đưa ra một quy định cụ thể mang về là phạt. Còn bản thân người mang đồ ăn về thì có thể coi đó là sự tiết kiệm, trân trọng tài nguyên, không lãng phí thực phẩm.
Xin cảm ơn GS.VS Lương Ngọc Huỳnh!