"Gót chân A-sin" của Trung Quốc
Giữa lúc căng thẳng trên cao nguyên Doklam đang được các bên thảo luận, Trung Quốc hôm 4/8 tiếp tục leo thang hùng biện bằng lời cảnh báo Ấn Độ sẽ phải nhận "hậu quả nghiêm trọng" nếu nước này không rút toàn quân ra khỏi khu vực biên giới.
Theo đó, Phó Đại sứ của Trung Quốc Liu Jinsong nói trước báo giới rằng: “Hành động của New Delhi là bất hợp pháp. Các binh sĩ nên được thu hồi ngay lập tức, nếu không sẽ có hậu quả nghiêm trọng”.
Trong tuyên bố này, bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cáo buộc Ấn Độ đang dự trữ nhiều nhu yếu phẩm, huy động quân đội tiến sát biên giới và sửa đoạn đường dọc biên giới giữa lúc căng thẳng 2 nước đang leo thang vì tranh chấp ở khu vực Doklam.
Tuy nhiên báo chí Ấn Độ lại phân tích tình thế một hướng khác, Trung Quốc chỉ đang “nói cứng” nhưng thực tế họ đang muốn phá băng căng thẳng hơn bất kỳ ai.
"Họ dường như đã giảm căng thẳng trên mặt đất, nhưng chúng tôi đang giữ lập trường của mình", một quan chức cấp cao nói với Times of India. Đồng thời vị này khẳng định quan điểm của Ấn Độ sẽ không nhún nhường theo yêu cầu rút quân từ phía Bắc Kinh.
Phía New Delhi thừa nhận nỗ lực ngoại giao để giải quyết thế bế tắc đã đạt được những tiến bộ mới, nhưng mọi thứ còn quá sớm để vội vàng để nói rằng, phán quyết cuối cùng thuộc về Trung Quốc.
Sự hung hăng của Bắc Kinh không có lợi
Chuyên gia quân sự Antony Wong Dong từ Macau cảnh báo sự cứng rắn thái quá của Bắc Kinh đang đẩy New Delhi ra xa hơn và có thể biến quốc gia Nam Á trở thành kẻ thù.
"Trung Quốc đang chơi chiến tranh tâm lý... nhưng cần phải nhận ra, ngay cả khi họ đánh bại Ấn Độ trong một cuộc chiến tranh trên đất liền, thì không thể nào hải quân PLA phá vỡ được hàng rào thép ở hải cảng Ấn Độ", Wong nói với tờ SCMP và chỉ ra tầm quan trọng của Ấn Độ Dương trong tuyến đường thương mại thế giới.
Trung Quốc chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Theo số liệu của các cơ quan truyền thông Nhà nước Trung Quốc, hơn 80% lượng dầu nhập khẩu đi qua Ấn Độ Dương hoặc eo biển Malacca.
Không giống như các nước Đông Nam Á, Ấn Độ chưa bao giờ phải là đối tượng trong chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc.
Ấn Độ có vị trí chiến lược nằm ở trung tâm hành lang năng lượng của Trung Quốc và "Sáng kiến Vành đai và Con đường". Do vậy, việc xúc phạm Ấn Độ sẽ chỉ đẩy Bắc Kinh rơi vào thế bất lợi khi New Delhi đang tính kế cô lập Trung Quốc bằng cách ngăn eo biển Malacca và Ấn Độ Dương. Trung Quốc sẽ rơi vào thế "lợi bất cập hại".
Sức mạnh Ấn Độ
Sun Shihai, một cố vấn của Hiệp hội Nghiên cứu Nam Á ở Trung Quốc, cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Nói với SCMP, ông lo ngại đòn trừng phạt quân sự tồi tệ nhất trong hơn ba thập niên qua của Bắc Kinh sẽ gây ra tình trạng chống Trung Quốc ở Ấn Độ, vì sự ngờ vực, thù địch giữa hai quốc gia này vốn rất sâu sắc.
"Nếu không được giải quyết đúng đắn, vấn đề biên giới có thể có tác động lâu dài đối với nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng ngoại giao, kinh tế vượt ra khỏi khu vực châu Á - Thái Bình Dương với Sáng kiến Vành đai và Con đường", chuyên gia Shihai nhận định. Với vị trí địa lý của mình, Ấn Độ là một đối tác chiến lược quan trọng nhất trong dự án này của Bắc Kinh.
Trung Quốc đã cố gắng mời gọi Ấn Độ tham gia dự án Vành đại Con đường, vì cả hai nước đều có lợi về mặt chiến lược và kinh tế. Tuy nhiên, những căng thẳng gần đây nhất đã làm sụp đổ mối quan hệ song phương và sự thất vọng ngày càng tăng sẽ làm cho New Delhi không muốn đưa ra quyết định.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Zhou Chenming chia sẻ với tờ SCMP, Bắc Kinh dường như đã nhận thức được sự vô nghĩa của một cuộc chiến tranh toàn diện ở Doklam, nơi họ cần quá nhiều sinh mệnh của binh lính cùng chi phí hậu cần chỉ để thắng trong một cuộc tranh chấp nhỏ lẻ.
Đọc thêm>>> Triều Tiên phóng tên lửa ở vị trí 'dằn mặt' cả Mỹ và Trung Quốc?