Ngày 11/11 vừa qua, tờ “Thời báo Hoàn Cầu” đã đăng bài viết của chuyên gia Cốc Nguyên Dương - Ủy viên Ban danh dự Viện Khoa học xã hội Trung Quốc – cho rằng trên phương diện ngoại giao, Đông Nam Á luôn là trọng điểm trong bố cục chiến lược của Trung Quốc. Khu vực này đồng thời cũng nơi các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ coi trọng khiến “công tác ngoại giao” của Trung Quốc gặp không ít khó khăn và phức tạp.
Cốc Nguyên Dương nhận định, các lãnh đạo quốc gia của Đông Nam Á coi các nước lớn là “voi” và hoan nghênh voi đến khu vực này ăn cỏ những không muốn nhìn thấy những “con voi” đấu đá lẫn nhau và giẫm đạp lên vùng đất này. Đây là lý luận chủ đạo được nhiều nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á đưa ra nhằm mục đích tạo “thế cân bằng thế lực giữa các nước lớn”. Trung Quốc cần tìm hiểu tâm tư của các nước Đông Nam Á, tích cực triển khai công tác ngoại giao toàn diện với khu vực và tăng cường hợp tác về chính trị, ngoại giao, kinh tế với các nước phía Nam, đặc biệt là Việt Nam.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
Tại khu vực Đông Nam Á, từ mặt địa lý cho đến kinh tế, Việt Nam đều có sức ảnh hưởng lớn. Về mặt địa lý, Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của Đông Nam Á, tiếp giáp với nhiều nước và có đường bờ biển dài tiếp giáp lãnh hải Philippines, Malaysia, Indonesia. Là một nước lớn đang trỗi dậy, Trung Quốc cần coi trọng ý nghĩa chính trị toàn cầu của Đông Nam Á trong đó Việt Nam phải được coi là một trong những quốc gia trọng điểm mà Trung Quốc cần quan tâm.
Kể từ khi khởi động công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn, được cả thế giới công nhận. Ngoài ra, Việt Nam được coi là quốc gia mới nổi tại khu vực Đông Nam Á, được coi là thành viên của nhóm “5 nước triển vọng” và “11 quốc gia kim cương”. Đối với một Trung Quốc đang ngày càng muốn mở rộng thị trường, quốc gia sắp đạt 100 triệu dân này rõ ràng là một thị trường không thể coi nhẹ. Phát triển kinh tế của các nước Đông Nam Á không cân bằng, phân thành các nước ASEAN cũ và mới, Việt Nam là nước có nền kinh tế sáng nhất trong số các nước ASEAN mới, vì vậy việc tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện với Việt Nam rất cần trở thành một trong những trọng điểm của Trung Quốc trong quá trình tăng cường ngoại giao với các quốc gia xung quanh.
Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng về mặt hình thái ý thức hệ và chế độ xã hội nhưng những bất đồng về vấn đề chủ quyền Biển Đông đã khiến mối quan hệ “không được như ý muốn”. Tuy nhiên, tác giả Cốc Nguyên Dương cho rằng sự mâu thuẫn này không phải là toàn bộ của mối quan hệ giữa hai nước. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao từ năm 1991 đến nay, thông qua các hiệp thương và đàm phán hòa bình, hai nước đã giải quyết thành công việc phân định Vịnh Bắc Bộ, ký kết hiệp định hợp tác nghề cá và hiệp định phân định biên giới trên bộ… tương đương với việc đã giải quyết xong 2/3 vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Đây là những công việc lớn, quan trọng trong phát triển quan hệ hai nước, cũng là việc hiếm thấy trong lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại.
Hiện nay, quan hệ Việt – Trung đang ở giao lộ, tương lai phát triển từ nay về sau phụ thuộc rất nhiều vào những chính sách của hai nước.
Theo Infonet