Trong một bài trả lời báo chí mới đây, PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, phong tục cải táng của người Việt đã không còn phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội và môi trường ngày nay và cho rằng cần bỏ phong tục này.
“Theo quan điểm và trải nghiệm của riêng tôi thì cải táng (bốc mộ) là một thứ cực hình. Tôi đã từng chứng kiến nhiều đám bốc mộ, có cảm giác ghê ghê. Tôi tin là nhiều người có cảm giác như tôi..”, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho biết.
Tuy nhiên, ý kiến này cũng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, trong đó, một số ý kiến cho rằng tập tục này đã ăn sâu vào tiềm thức và rất khó bỏ.
Liên quan đến vấn đề này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe ý kiến phân tích từ PGS.TS Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, học viện Báo chí và Tuyên truyền).
Thưa PGS.TS Phạm Ngọc Trung, là một nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam lâu năm, theo ông phong tục cải táng xuất hiện từ bao giờ?
Phong tục cải táng không có năm tháng xuất hiện chính xác, nhưng phải nói tục cải táng đã xuất hiện từ thời Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.500 năm đến 3.000 năm. Cải táng không phải là hình thức nghi lễ tang ma duy nhất của người Việt, mà vẫn đan xen các tục lệ như chôn một lần, như trong các mộ Hán chẳng hạn, hay những mộ người ta ướp xác 400 năm nay.
Cho nên giữa cải táng và không cải táng nó song hành với nhau, còn riêng lịch sử của cải táng.
Có thể nói, đây cũng là một trong những truyền thống đậm nét nhất của người Việt. Cũng có một số dân tộc họ không cải táng như ở Tây Nguyên, khi có người chết họ vứt ra rừng cho kiến cho thú ăn, trong miền Nam người ta chỉ chôn một lần. Ta thấy rằng, ngày nay thì các hình thức này nó cũng không còn nữa nhưng hình thức cải táng thì vẫn còn. Điều này cho thấy, cải táng đã là phong tục đậm nét của người dân ở phía đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Thưa ông, vì sao cải táng lại là phong tục truyền thống đậm nét của người Việt? Ngày nay, còn đan xen những hình thức mới về cải táng như thế nào?
Trước đây, người ta quan niệm con người có thể luân hồi nhân quả, khi cải táng thì vẫn còn xương cốt, để có thể trải qua kiếp này, kiếp khác để quay trở lại kiếp người. Vậy nên họ vẫn giữ nguyên xương cốt người chết để cho người đó có để hoàn lại kiếp người. Thứ hai, là do điều kiện kinh tế xã hội thời đó thì việc cải táng là phổ biến.
Thế nhưng, trong khoảng 30 năm trở lại đây, ở các đô thị mới xuất hiện thêm các hình thức mới như hỏa táng. Trước đây, hỏa táng chỉ xuất hiện ở chùa dành cho các nhà sư, nhưng bây giờ hình thức hỏa táng khá phổ biến ở các khu đô thị ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Và các nhà quản lý đô thị họ cũng đang khuyến khích người dân hỏa táng, ví dụ như hỗ trợ kinh phí để nhằm mục đích giữ gìn vệ sinh môi trường, tiết kiệm đất,... giảm bớt ô nhiễm nguồn nước, không khí.
PGS.TS Bùi Xuân Đính cho rằng, phong tục cải táng của người Việt đã không còn phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội và môi trường hiện nay và cần phải bỏ, ý kiến của ông ra sao?
Theo ý kiến của PGS.TS Bùi Xuân Đính cho rằng việc này không phù hợp nữa nên bỏ đi, thì đó là ý kiến của những nhà khoa học, nhận thức riêng của họ. Trong thực tế, do trình độ nhận thức của người dân, cũng như sự phát triển của đời sống cũng chỉ mới có một số người họ thích ứng được với hình thức chôn cất mới là hỏa táng, còn đa số người dân ở vùng Bắc Bộ thì họ vẫn muốn làm theo hình thức cải táng, vì họ không muốn người thân của họ từ hôm qua vẫn còn đang sống mà hôm nay chỉ là một nhúm cho tàn thôi.
Họ kiêng kỵ, suy nghĩ rằng nếu con người chết đi mà không để lại hài cốt là mất hết, sau này không thể quay trở lại kiếp người được nữa.
Riêng tôi thì tôi cho rằng, những ai mà có điều kiện kinh tế phát triển văn minh rồi thì nên theo hình thức hỏa táng. Còn đa số người dân điều kiện kinh tế có hạn, nhận thức có hạn, sống trong cộng đồng nhân dân làng xã thì bị ràng buộc bởi dư luận, bởi phong tục tập quán. Bây giờ cả làng cả xã họ cải táng mà một mình nhà ông đi hỏa táng thậm chí sẽ bị phê phán, bị dư luận.
Thế nên, họ vẫn phải sống theo cái không gian văn hóa, quan niệm của họ, thế nên thay đổi luôn là khó.
Nhưng dần dần 50 năm sau, rồi 100 năm sau như các nước Châu Âu văn minh họ cũng làm và cũng mất 100 năm đến 200 năm rồi các thế hệ sau họ sẽ từ từ thay đổi. Còn bây giờ nếu mình gò ép thì không thể nào gò ép được.
Xin cảm ơn ông!
T. Lam - Huyền Linh