Một ngày đẹp trời, tôi nhận được email từ Giáo sư của Viện nghiên cứu chính sách công quốc gia Nhật Bản mời đến nghe một bài thuyết trình về quá trình hợp tác giữa chính quyền địa phương và các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật Bản. Các học viên của Viện nghiên cứu chính sách công là cán bộ đến từ các địa phương của Nhật Bản còn giảng viên của họ có tên tiếng Nhật là Kazufuku Nitta, nhưng lại là một người Việt Nam chính hiệu. Ông là Trần Ngọc Phúc, giám đốc Metran - một trong 3 doanh nghiệp vừa và nhỏ tiêu biểu vinh dự được đón Nhật Hoàng Akihito đến thăm vào năm 2012.
Ông Trần Ngọc Phúc trình bày về sản phẩm máy giúp thở nhân chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito tới Metran, tháng 7/2012.
Ngoài Viện chính sách công quốc gia Nhật Bản, ông Trần Ngọc Phúc còn có nhiều buổi thuyết trình tại các cơ quan, viện nghiên cứu khác của Nhật Bản. Tôi vô cùng ngạc nhiên bởi tại Nhật Bản, hoàn toàn không dễ dàng để một người Việt Nam có thể đứng trên bục giảng, “dạy” lại những kiến thức về kinh tế cho người Nhật. Nhưng ông – Trần Ngọc Phúc đã làm được điều đó.
Học hỏi từ người Nhật
Tuy đã hoạt động tại Nhật Bản 30 năm qua, có những đóng góp được xã hội Nhật biết đến nhưng chỉ sau chuyến thăm mang tính “lịch sử” của Nhật hoàng tới Metran vào tháng 7/2012, Metran và ông Trần Ngọc Phúc mới được các cơ quan báo chí trong nước biết đến. Cùng với những người Việt Nam khác thành công tại Nhật Bản như Giáo sư Trần Văn Thọ, ông Huỳnh Trí Chánh…, bây giờ người ta được biết thêm một cái tên khác, cũng có những thành công và đóng góp vào sự phát triển quan hệ Việt Nam – Nhật Bản là ông Phúc Metran.
Sau buổi gặp gỡ tại Viện Nghiên cứu chính sách công tại Tokyo, ông Phúc ngỏ lời mời tôi và các nghiên cứu sinh khác của Viện đến tham quan Công ty của ông tại thành phố Kawaguchi, tỉnh Saitama. Trụ sở chính của Metran chỉ cách nhà ga khoảng 7 phút đi bộ: “Địa điểm phải thuận lợi để đối tác đến tiếp xúc, làm việc” là nguyên tắc mà ông học đươc từ người Nhật, cho dù sau này, Metran đã thành lập thêm các chi nhánh tại Mỹ và các quốc gia khác.
Với cách nghĩ riêng của mình, ông Phúc đã khôn ngoan định hướng để Metran tập trung vào mũi nhọn nghiên cứu, phát minh và dành phần tiếp thị, bán hàng cho đối tác Nhật với nhiều kinh nghiệm hơn hẳn. Chiến lược kim tự tháp hướng tới cả ba dạng sản phẩm công nghệ cao, trung bình và sản phẩm cho đại chúng cũng giúp Metran chinh phục được các khách hàng khó tính là các bệnh viện, cơ sở y tế của Nhật. Trong đó, thiết bị máy thở rung cao tần HFO (High Frequency Oscillatory Ventilation) trợ thở cho trẻ sơ sinh thiếu tháng của Metran là sản phẩm công nghệ cao, với giá thành cao gấp 3 lần các sản phẩm của Mĩ, Đức nhưng vẫn được đối tác lựa chọn. Hiện tại, 90% bệnh viện, phòng chăm sóc trẻ sơ sinh trên toàn nước Nhật đã được trang bị máy thở HFO của Metran, hơn 200 máy đã được xuất khẩu đến 12 quốc gia trên thế giới.
Đối mặt với thử thách
Câu chuyện giữa chúng tôi chuyển hướng sang việc làm thế nào một sinh viên Việt Nam qua Nhật vào những năm 70 của thế kỷ trước có thể tìm ra hướng đi cho mình và từng bước khẳng định rằng: với tài năng, sự cần cù, chịu khó, một người Việt Nam hoàn toàn có thể thành công tại Nhật Bản – một xã hội vốn khắt khe với người ngoại quốc.
Với giọng nói vẫn đặc chất Huế - mặc dù đã ở Nhật hơn 40 năm, ông Phúc từ tốn kể lại điểm khởi đầu của Metran hơn 28 năm trước. Ông nhớ lại, một chỗ đứng vững chắc tại thị trường thiết bị y tế Nhật Bản như hiện nay của Metran được bắt đầu từ câu nói: “Đừng bỏ cuộc, phải đối diện với thực tại để vượt qua khó khăn”. Đó là lời dạy của cha nuôi, cũng là thầy dạy môn kendo (kiếm đạo) khi ông Phúc mới sang Nhật. Câu nói này đã giúp chàng thanh niên Trần Ngọc Phúc tĩnh tâm tìm kiếm những cơ hội và đã tìm thấy đường đi cho mình.
Khi nghe tôi chia sẻ về những khó khăn của du học sinh Việt Nam khi sang Nhật du học, ông Phúc trầm ngâm: “Metran sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em, các cháu học giỏi, chăm chỉ và thật sự muốn lập nghiệp tại Nhật Bản, nhưng tại Nhật Bản, cơ quan nào sẽ đứng ra làm đầu mối để xúc tiến việc này?”
Tuy công việc bận rộn nhưng hàng năm ông Phúc vẫn dành thời gian cùng các cộng sự tại Metran và các y - bác sĩ Nhật Bản về Việt Nam để làm từ thiện và hỗ trợ cho các bệnh viện y tế tại các địa phương còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, ông còn trực tiếp tham gia giảng dạy tại Đại học Y dược Tp. HCM, Bệnh viện Thống Nhất và nhiều cơ sở y tế khác.
Song song việc thành lập nhà máy sản xuất thiết bị y tế của Metran tại Bình Dương, ông đã đưa nhiều cán bộ trẻ sang Nhật Bản để đào tạo, qua đó từng bước chuyển dần các công việc chế tạo và sản xuất các thiết bị của Metran về cơ sở tại Việt Nam. Đây là những bước đi đầu tiên trong kế hoạch đầy tham vọng của Metran khi mong muốn giới thiệu các sản phẩm do người Việt Nam thiết kế, chế tạo và sản xuất tại Việt Nam nhưng chất lượng ngang bằng và thậm chí còn cao hơn cả những sản phẩm “Made in Japan”.
Nguyễn Hồng Sơn (Nghiên cứu sinh Tiến sĩ – Đại học Meiji, Tokyo)
Nguồn: Bộ Ngoại giao