Liên quan đến vấn đề này PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Quế, nguyên Viện trưởng viện Quan hệ Quốc tế. “Hiến pháp Mỹ không cho phép quyền lực tập trung quá nhiều vào Tổng thống. Với những sắc lệnh không phù hợp, đi ngược lại lợi ích nhất định ông Trump sẽ gặp phải những kháng cáo tại tòa án liên bang các cấp”, bà Quế cho biết...
Phân tích 3 lý do khiến Trump muốn “xóa sổ di sản” của Obama
PV: Ngày 29/3, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hủy bỏ các quy định chống biến đổi khí hậu của ông Obama. Nhưng sắc lệnh vừa công bố đã vấp phải nhiều chỉ trích, bà nhận định sao về vấn đề này?
PGS.TS Nguyễn Thị Quế: Trước khi trở thành Tổng thống Mỹ, năm 2012, ông Trump đã từng tuyên bố trên trang cá nhân Twitter với nội dung nghi ngờ về vấn đề này: “Khái niệm về sự nóng lên toàn cầu được đưa ra bởi Trung Quốc, nhằm khiến nền sản xuất của Mỹ không thể cạnh tranh được”. Trump cũng gọi đó là “một trò lừa bịp gây ra bởi Trung Quốc”. Đến khi ra tranh cử, ông Trump khẳng định, nếu làm Tổng thống, ông sẽ hủy bỏ hàng tỷ USD đầu tư vào chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, ông không muốn Mỹ lãng phí nguồn tài chính vào vấn đề này.
Nhưng, hiện nay, thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu mà nước Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama tham gia đã đánh dấu đột phá quan trọng trong nỗ lực của Liên Hiệp Quốc suốt hơn hai thập kỷ qua, nhằm thuyết phục Chính phủ các nước hợp tác giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế nhiệt độ Trái đất nóng lên. Biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu, chứ không phải riêng nước Mỹ.
Tương lai gần, Tổng thống Trump chắc chắn sẽ vấp phải những phản đối từ Quốc hội, bởi ngay từ khi sắc lệnh được công bố đã dấy lên sự phản đối từ liên minh gồm 23 bang, các nhóm hoạt động vì môi trường. Các nghị sĩ đảng Dân chủ cũng ra cam kết, sẽ kháng nghị lên tòa án. Chính phủ mới của nước Mỹ sẽ không thể khoanh tay đứng ngoài cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chung của thế giới.
PV: Nước Mỹ không thể đứng ngoài cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, vậy, họ sẽ làm gì trước sắc lệnh mới của Tổng thống Trump?
PGS.TS Nguyễn Thị Quế: Ngay trước khi ông Trump đắc cử Tổng thống, ngày 15/11 bộ Nội vụ Mỹ đã cho ra đời một bộ quy tắc mới. Nó nhằm giúp giảm phát thải khí tự nhiên ồ ạt trong hoạt động sản xuất dầu khí, tránh lãng phí khí tự nhiên cũng như cắt giảm lượng khí thải methane nguy hiểm, một tác nhân gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu. Đây cũng được coi là một trong những nỗ lực cuối cùng của chính quyền sắp mãn nhiệm, Tổng thống Barack Obama trong chống biến đổi khí hậu.
Và như đã nói ở trên, Tổng thống Donald Trump sẽ gặp phải những khó khăn từ phía Quốc hội Mỹ, những nghị sĩ đảng Dân chủ sẽ không để ông dễ dàng đảo ngược những di sản từ thời cựu Tổng thống Obama.
PV: Dưới góc độ nghiên cứu, bà có thể chỉ ra, tại sao Tổng thống Trump lại muốn xóa bỏ những di sản của người tiền nhiệm?
PGS.TS Nguyễn Thị Quế: Thực tế, chủ đề biến đổi khí hậu chỉ là một trong các nội dung nhỏ mà Tổng thống Trump cam kết trong quá trình tranh cử, xóa bỏ những thành tựu mà ông Obama đạt được. Theo tôi, vì 3 lý do sau:
Thứ nhất, khi một Tổng thống mới lên nắm quyền, họ đều muốn khẳng định chỗ đứng quyền lực, những dấu ấn mới về chính quyền của họ trong nhiệm kỳ. Và Tổng thống Donald Trump cũng không ngoại lệ, ông đưa ra nhiều cam kết tranh cử, thuyết phục cử tri Mỹ bằng những chính sách mới, khác xa với người tiền nhiệm. Họ có quyền đưa ra những chính sách phủ nhận người tiền nhiệm, điều này nằm trong quyền hạn Tổng thống.
Thứ hai, ông Trump hứa rằng, nếu nhậm chức ông sẽ “đưa nước Mỹ vĩ đại một lần nữa” và một trong những hành động đầu tiên khi trở thành Tổng thống, chính là xóa bỏ những di sản của Obama.
Với mỗi sắc lệnh được ký, ông Trump đều chỉ ra lý do, nhằm hướng đến công dân Mỹ, sự thịnh vượng của nước Mỹ.
Như hệ thống y tế, ông Trump phê phán Obamacare là một “thất bại”, ông đã điều chỉnh đạo luật này và thay thế nó bằng Trumpcare, nhưng Trumpcare đã không trở thành hiện thực. Trong quan hệ quốc tế, ông đã chỉ trích hiệp định hạt nhân với Iran, chỉ trích việc Mỹ bị sa lầy tại chiến trường Syria... Ngoài ra, Tổng thống Trump thường xuyên vẽ ra một tương lai ảm đạm về tỉ lệ tội phạm ở Mỹ, chỉ trích rằng, lực lượng bảo vệ pháp luật bị hạn chế quá nhiều bởi “tính đúng đắn về mặt chính trị”...
Thứ ba, Tổng thống Trump là một nhà kinh tế, mọi hành động, quyết định của ông đều dựa trên tính toán thiệt hơn. Ngay trong sắc lệnh bãi bỏ các quy định về biến đổi khí hậu, ông Trump cũng nhấn vào trọng tâm, sắc lệnh này sẽ giúp cho ngành công nghiệp năng lượng của Mỹ phát triển. Các doanh nghiệp than, dầu mỏ của Mỹ sẽ độc lập phát triển, không bị phụ thuộc vào các quy định của Chính phủ.
Khó dự đoán “nước cờ tiếp theo”
PV: Có trường hợp Tổng thống Trump sẽ có quyền tự quyết mà không bị bất cứ cản trở gì không, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thị Quế: Tổng thống Mỹ có quyền đưa ra những sắc lệnh, chính sách đối nội, đối ngoại trong nhiệm kỳ của mình, điều này hoàn toàn hợp pháp.
Nhưng Hiến pháp Mỹ không cho phép quyền lực tập trung quá nhiều vào Tổng thống. Những chính sách, sắc lệnh ban hành, nếu đi ngược lại những giá trị Mỹ sẽ có kháng cáo tại tòa án liên bang các cấp. Chính Tổng thống Trump đã bị tòa án liên bang chặn sắc lệnh nhập cư, hay mới nhất là Hạ viện không thông qua Trumpcare... Đó chính là những công cụ kiềm chế đối trọng quyền lực Tổng thống.
Song xét mặt bằng chung, Tổng thống Donald Trump cũng có nhiều ưu thế hơn trong việc ra các quyết định khi ông có cơ hội làm việc với một Thượng viện và Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
PV: Vậy sắp tới, ông Trump sẽ tiếp tục có những “nước cờ” nào tiếp theo, đặc biệt trong vấn đề đối ngoại?
PGS.TS Nguyễn Thị Quế: Thường xuyên đưa ra những bình luận, quan điểm trái ngược từ lúc tranh cử lẫn lúc đã đắc cử, ông chủ Nhà Trắng khiến việc dự đoán những chính sách mà ông thực sự muốn theo đuổi khó hơn bao giờ hết.
Tổng thống Mỹ khẳng định, ông luôn quan tâm vấn đề nước Mỹ phát triển như thế nào trong tương lai, vậy nên với những vấn đề quan hệ quốc tế (như vấn đề Biển Đông, chính sách đối ngoại với các đồng minh truyền thống, đồng minh lâu năm, với khu vực nóng bỏng như châu Á – Thái Bình Dương...) đều chưa triển khai rõ ràng.
Ngay trong các chuyến thăm của các lãnh đạo cao cấp Nhà Trắng đầu năm nay, như Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới thăm châu Âu; Ngoại trưởng Mỹ tới thăm 3 nước Đông Á... Giới quan sát đánh giá, các chuyến thăm này mang mục đích “thăm dò” nhiều hơn là việc đưa ra quan điểm rõ ràng trong định hướng đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump.
Xem thêm >>> 23 bang Mỹ phản đối sắc lệnh xóa bỏ chính sách biến đổi khí hậu
PV: Phải chăng hàng loạt thất bại của Tổng thống Donald Trump sau khi nắm quyền đang báo hiệu những sóng gió trên Chính trường nước Mỹ tới đây, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thị Quế: Từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Donald Trump dường như đã không phát huy tính kế thừa, mà nỗ lực xóa bỏ những thành tựu của người tiền nhiệm và điều này tạo sự phản ứng kịch liệt của phe Dân chủ.
Thêm vào đó, tỷ phú Trump đắc cử Tổng thống Mỹ là một minh chứng cho thấy chủ nghĩa dân túy chính trị đang lên ngôi, nhờ nỗi sợ bị bỏ rơi của cử tri trong bối cảnh toàn cầu hóa. Các chính sách như trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, hay muốn xóa bỏ Obamacare, biến đổi khí hậu... ông Trump đang hướng đến tạo nhiều việc làm cho người dân Mỹ, thúc đẩy bảo vệ an ninh. Nhưng đằng sau chính sách đó lại tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường: Hợp tác thương mại Mỹ với các quốc gia; sức khỏe của người Mỹ...
Những vấn đề kể trên có thể đang tạo ra mâu thuẫn nội bộ chính trường Mỹ, giữa các nghị sĩ phe Dân chủ và Cộng hòa. Tại Hạ viện, Thượng viện nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số nhưng ông Trump cũng không lấy đủ số phiếu thuận để thông qua dự thảo luật mới Trumpcare...
Với những diễn biến phức tạp như hiện nay, Tổng thống Trump đang vướng phải một bài toán khó, đoàn kết các thành viên giữa hai đảng. Nếu xử lý không tốt vấn đề này, rất có thể đây là cơ hội để phe Dân chủ vươn lên.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Xem thêm >>> Phía sau vụ chìm tàu Địa Trung Hải khiến gần 150 người thiệt mạng
Phương Anh
(Thực hiện)