Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam tiếp tục xu hướng tăng cao, ngày 26/2 ghi nhận số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm đến nay, với hơn 2.700 trường hợp.
Đáng chú ý, tại Tp.HCM đã phát hiện biến thể phụ đáng lo ngại của Omicron. Cụ thể, ngoài một biến thể phụ mới thuộc nhóm biến thể đáng quan tâm (XBB.1.5) đã xuất hiện tại 95 quốc gia, Tp.HCM ghi nhận thêm biến thể phụ XXB.1.16.
Đây là biến thể đã xuất hiện tại hơn 20 quốc gia và đang góp phần vào làn sóng ca mắc tăng cao ở Ấn Độ. WHO cũng đã xếp biến thể XBB.1.16 vào nhóm biến thể cần được theo dõi.
Trước diễn biến gia tăng của dịch Covid-19, một trường Đại học tại Tp.HCM đã có thông báo cho sinh viên học trực tuyến trong thời gian 1 tuần sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, để phòng, chống dịch.
Thông tin này khiến nhiều người lo ngại đại dịch Covid-19 sẽ bùng phát trở lại, thậm chí băn khoăn liệu có cần thiết phải chuyển sang học online?
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, số ca mắc Covid-19 gia tăng có thể do miễn dịch cộng đồng đã giảm (bao gồm cả miễn dịch có được do tiêm vắc-xin cũng như miễn dịch do nhiễm bệnh).
Vì thế, theo ông Phu,số người dân bị nhiễm hoặc tái nhiễm tăng lên. Đặc biệt, sự lơ là với các biện pháp phòng bệnh như: Không đeo khẩu trang nơi công cộng, quên các biện pháp vệ sinh khử khuẩn thường xuyên... cũng dẫn đến tình trạng bệnh lây lan.
Ông Phu cũng cho rằng, việc công bố số mắc hiện nay không sát với thực tế. Bởi, nhiều người nhiễm bệnh không xét nghiệm hoặc có xét nghiệm dương tính nhưng không thông báo.
“Vì vậy, ngành y tế cần phải đánh giá chính xác nguy cơ, giải trình tự gene xem có phát hiện biến thể mới, biến chủng vô hiệu hóa vắc-xin hay không.
Từ đó, có kế hoạch đáp ứng dịch cho thích hợp, không bất ngờ. Nếu không sẽ gây quá tải hệ thống y tế, số ca nặng và tử vong sẽ tăng”, ông Phu nói.
Theo chuyên gia y tế dự phòng, việc tăng các ca mắc không phải là ngạc nhiên và không nằm nằm ngoài dự báo.
“Tôi vẫn khuyến cáo bảo vệ nhóm nguy cơ như người già, người bệnh nền, người suy giảm miễn dịch nên tiêm vắc-xin đầy đủ. Dù số ca mắc có gia tăng, nhưng để dịch bùng phát lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay số ca tử vong tăng như đợt dịch của Tp.HCM trước đây là không thể xảy ra”, ông Phu nhấn mạnh.
Theo ông Phu, đợt tăng ca nhiễm mạnh này là một làn sóng dịch mới. Tuy nhiên, lợi thế là hiện Việt Nam đã có hiểu biết nhiều về Covid-19, năng lực phòng, chống dịch tăng lên, cách đáp ứng tăng lên và đặc biệt là linh hoạt hơn.
Thời điểm này, Việt Nam cần đánh giá lại miễn dịch cộng đồng xem chủng mới có vô hiệu hóa vắc-xin hay không và ngành y tế cũng cần đánh giá lịch tiêm vắc-xin phù hợp.
Với sự xuất hiện biến thể phụ đáng lo ngại của Omicron, theo ông Phu dựa trên nguyên tắc nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, Việt Nam cần phải đánh giá đúng nguy cơ để đưa ra kịch bản đáp ứng phù hợp không ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế-xã hội hay việc học tập trong trường học.
“Nếu chúng ta đánh giá không đúng nguy cơ thì không kiểm soát được dịch bệnh, nhưng nếu đánh giá nguy cơ cao quá dẫn tới đáp ứng thái quá thì lại cấm đoán gây tổn hại đến kinh tế, an sinh xã hội của người dân hoặc đầu tư cho chống dịch quá tốn kém trong khi còn rất nhiều các dịch bệnh khác cũng đang phải phòng chống”, ông Phu cho hay.
Trước thông tin một trường đại học ở Tp.HCM thông báo kéo dài thời gian nghỉ lễ 30/4 lên 7 ngày và tổ chức học online sau kỳ nghỉ, trao đổi thêm với Người Đưa Tin, BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm Tp.HCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Tp.HCM) cho rằng việc này là không cần thiết.
“Dù cho học trực tuyến một năm nữa thì ai mắc vẫn cứ mắc, nên học online không cần thiết. Điều quan trọng là cần thực hiện tốt theo thông điệp 2K của Bộ Y tế, khẩu trang, khử khuẩn + vắc-xin….”, BS Khanh cho hay.
Cũng theo BS Khanh, dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5 nhu cầu đi lại, giao lưu, du lịch tăng, sẽ tạo nguy cơ cao cho dịch lây lan, làm gia tăng ca nhiễm. Vì vậy, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Trước đó, trong ngày 28/4, Bộ Y tế cũng đã gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch trước, trong, sau dịp nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, ngày 30/4 - 1/5.