Liên quan tới trường hợp bé H.T.Q.N (11 tuổi; ngụ TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) mắc chứng “mồ hôi máu”, rất nhiều bác sĩ cho biết, trong cuộc đời hành nghề y của họ chưa từng gặp bệnh nhân nào mắc căn bệnh này.
PGS.TS Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc bệnh viện Da liễu Trung ương cũng chưa thể khẳng định điều gì về trường hợp này. Tuy nhiên, theo vị PGS.TS Lê Hữu Doanh, có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này và các chuyên gia y tế phải xem chính xác đây là bệnh gì và vị trí mồ hôi có màu đó ở đâu trên cơ thể.
“Đôi khi chúng ta bị nhầm lẫn. Có thể đó không phải mồ hôi máu mà là bệnh lý mạch máu, gây vỡ mạch máu. Nguyên tắc hồng cầu không thể thoát qua tuyến mồ hôi được.
Nếu xét nghiệm tuyến mồ hôi trong đó có hồng cầu người lại là câu chuyện hoàn toàn khác vì như tôi đã nói ở trên, có thể liên quan tới bệnh lý về mạch máu hơn bệnh lý về tuyến mồ hôi. Chính vì thế, tôi chưa thăm khám trực tiếp cho bệnh nhân nên không thể đưa ra kết luận được”, PGS.TS Lê Hữu Doanh nói.
Ở một góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Văn Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cũng bất ngờ khi bản thân Phó giáo sư cũng chưa từng gặp trường hợp nào đổ mồ hôi máu. “Có thể màu mồ hôi đỏ như máu chứ mồ hôi không thể có máu được.
Nếu được nhìn màu mồ hôi đó hoặc khám cụ thể tình trạng bệnh nhân thì tôi mới có thể đưa ra nhận định được”, PGS.TS Nguyễn Văn Dũng nói.
Được biết, trước đó bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng đã tiếp nhận 2 trường hợp là chị em ruột mắc bệnh "mồ hôi máu" tương tự. Do không có phác đồ điều trị nên bệnh viện này cũng chỉ điều trị các triệu chứng.
Nguyễn Huệ