Không có “đỉnh dịch”
Trong những bản tin về diễn biến dịch của các nước có đề cập đến việc đã chạm đỉnh dịch hay chưa, còn tại Việt Nam, 19 ngày trở lại đây không xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, không ít người băn khoăn liệu rằng Việt Nam đã qua đỉnh dịch hay chưa? Và, Việt Nam đang ở đâu trong đại dịch Covid-19.
Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho hay, Việt Nam đang ở thời điểm các nước xung quanh vẫn có dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó, khả năng ở ngoài cộng đồng còn bệnh vẫn cao.
“Tuy vậy, Việt Nam không để dịch bệnh phát triển tự nhiên, nên chúng ta không có đỉnh dịch Covid-19. Chúng ta không có đỉnh dịch nên sẽ không qua đỉnh dịch, bởi chúng ta đã khống chế, ngăn chặn dịch bệnh ngay từ đầu”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bác sĩ Khanh cũng phân tích thêm, khi nói đến hai từ “đỉnh dịch”, có nghĩa là dịch bệnh đã vượt quá khả năng can thiệp của con người, hoặc để bệnh phát triển một cách tự nhiên không can thiệp thì mới có đỉnh dịch.
Theo bác sĩ Khanh, hiện nay tại Việt Nam không loại trừ khả năng vẫn còn ca bệnh ở ngoài cộng đồng, cách tốt nhất hiện nay là cảnh báo, khuyến cáo người dân thực hiện phòng, chống theo các khuyến cáo của bộ Y tế.
Ấn tượng hơn 100 ngày qua
Là người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy – TP.HCM (nơi có các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị) không muốn nhắc nhiều về cá nhân mình, nhưng khi nói về những điều mà bản thân mình cảm thấy ấn tượng nhất trong hơn 100 ngày chống dịch vừa qua, bác sĩ Thức đã trải lòng.
“20 ngày qua, Việt Nam không có ca mắc mới trong cộng đồng, đây là một sự thành công lớn của cả hệ thống chính trị, thế giới cũng đánh giá cao công tác phòng chống dịch của Việt Nam”, bác sĩ Thức cho biết.
Chia sẻ về điều mình ấn tượng nhất trong hơn 100 ngày chống dịch vừa qua, bác sĩ Thức cho hay mình có 2 điều: “Một là, đây là lần mà cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách mạnh mẽ nhất, đoàn kết nhất trong công tác phòng chống dịch, thể hiện sự vào cuộc, đồng lòng của toàn dân.
Thứ hai, khi điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, có một sự tổng hợp hội chẩn toàn quốc. Huy động sức mạnh kiến thức của tất cả thầy thuốc, chuyên gia y tế đầu ngành, dù có nhiều người đã nghỉ quản lý hay đã về hưu, đây là điều tôi ấn tượng nhất và đã đem lại hiệu quả rất cao. Ấn tượng có thể nhìn thấy ngay được, đó là cho tới giờ này chưa có một ca bệnh Covid - 19 nào tử vong ở Việt Nam.
Bởi, theo đồng nghiệp của tôi ở nước ngoài đánh giá, có những ca bệnh nặng nếu điều trị ở nước ngoài cũng chưa chắc qua khỏi. Đó là những điều mà bản thân tôi cảm thấy ấn tượng nhất”.
Cũng là người trực tiếp thực hiện công tác chuyên môn điều trị cho các ca bệnh mắc Covid-19 tại bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu lại cho rằng công việc của mình và các đồng nghiệp trong những ngày chống dịch vừa qua là công việc thường nhật.
“Quá trình điều trị cho bệnh nhân gặp phải không ít khó khăn, áp lực chưa kể việc nấu được bữa cơm để ăn cũng còn khó khăn… Tôi và các đồng nghiệp coi những khó khăn đó rất đỗi bình thường. Bởi, công việc của chúng tôi liên quan đến chuyên môn kỹ thuật, cũng giống như khó khăn của bất kỳ ngành nghề nào khác. Vì vậy, khi có vấn đề xảy ra thì cần phải tìm các giải pháp về vấn đề kỹ thuật để xử lý”, bác sĩ Cấp bày tỏ.
Theo lời chia sẻ vội vì còn bệnh nhân đang chờ, bác sĩ Cấp cho rằng, công việc nào cũng có những vất vả riêng, còn anh và các đồng nghiệp của mình không nhìn vào những khó khăn đó mà nản chí, ngược lại động viên nhau cùng vượt qua để hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ của mình được giao đó là chữa bệnh cứu người.