Tiếp tục phiên xét xử vụ án Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình làm 9 bệnh nhân chạy thận tử vong. Chiều nay (18/01), HĐXX đã mời một số chuyên gia trong lĩnh vực y tế, đại diện của bệnh viện Bạch Mai và đại diện của sở Y tế tỉnh Hòa Bình đến phiên tòa để làm sáng tỏ một số nội dung liên quan đến vụ án.
Đầu tiên là Giáo sư Nguyễn Gia Bình, chuyên ngành hồi sức cấp cứu và chống độc được HĐXX mời lên trả lời. Ông Bình rất sẵn sàng chia sẻ những nội dung thuộc phạm vi, khả năng của mình.
HĐXX hỏi: “Liên quan đến sự cố y khoa ngày 29/5/2017 tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, khi đang tiến hành chạy thận cho các bệnh nhân, xuất hiện biểu hiện ngứa, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy,… theo ông chẩn đoán ban đầu là gì, cách xử trí trong trường hợp này như thế nào?”.
Ông Bình cho biết: Có khoảng 20 biến chứng chạy thận, còn trong sự cố này có 18 biểu hiện khác nhau, sốc phản vệ là biểu hiện nặng nhất. Khi bệnh nhân có biểu hiện hàng loạt như thế thì bệnh viện đã xử lý theo đúng phác đồ mà bộ Y tế ban hành và đã làm đúng quy trình.
“Nguyên nhân thì chưa biết nhưng chắc chắn đó là sốc phản vệ và phác đồ điều trị là giống nhau. Cách xử trí lúc đầu là giống nhau, sau đó có thể tùy hướng phán đoán để có hướng phân loại và xử lý khác nhau theo mức độ nặng nhẹ”, ông Bình nói.
Tiếp đến, PGS. TS Đỗ Vũ Gia Tuyển, Trưởng khoa Thận tiết niệu bệnh viện Bạch Mai khi được HĐXX hỏi: “Ông cho biết sự cố chạy thận ở Việt Nam có thường xảy ra hay không?”.
Ông Tuyển trả lời: “Đối với tôi, làm trong ngành thận tiết niệu, ngoài sự cố ở Hòa Bình thì tôi chưa gặp trường nào xảy ra. Ở nước ngoài tôi có tham khảo và được biết có 3 bệnh nhân tử vong cũng do tồn dư hóa chất nhưng do thời gian lâu ngày, ống bị bục, rò rỉ hóa chất”.
“Đối với việc sục rửa hệ thống nước RO thì người ta dùng hóa chất gì?”, trả lời câu hỏi thứ hai từ phía HĐXX đưa ra, ông Tuyển nói mình được đào tạo về chuyên khoa khám chữa bệnh mà không được đào tạo về xử lý nước RO. Nhưng theo hiểu biết của ông Tuyển thì ở Việt Nam không dùng hóa chất như ở Hòa Bình đã dùng.
Tiếp đến, Trưởng khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai - TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Khoa Thận nhân tạo bệnh viện Bạch Mai có bố trí kỹ thuật viên chuyên trách về nước. Người này có thể là điều dưỡng, có thể là kỹ thuật viên nhưng được trưởng khoa phân công.
“Nhiệm vụ của kỹ thuật viên chuyên trách vào mỗi buổi sáng khi bật công tắc, người này phải quan sát hệ thống RO với hai phân số, bắt buộc phải ghi chép thể hiện trên đồng hồ, kiểm tra bình muối, test, khi tất cả an toàn thì mới tiến hành”, ông Dũng cho biết.