Không phù hợp với pháp luật
Thưa luật sư, vừa qua dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến sự kiện ông Huỳnh Uy Dũng - chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Đại Nam (tỉnh Bình Dương), để lại chúc thư nhượng toàn bộ khối tài sản khổng lồ của gia đình cho cậu con trai 1 tuổi của mình, trong ngày sinh nhật 1 tuổi của cậu. Ông nhìn nhận sự kiện này như thế nào?
Vợ chồng ông Dũng bên con trai.
Về mặt pháp luật, tôi cho rằng việc ông Huỳnh Uy Dũng - tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam viết di chúc để lại toàn bộ tài sản của mình cho con trai là cháu Huỳnh Hằng Hữu 1 tuổi là hoàn toàn hợp pháp, bởi Điều 631 Bộ luật dân sự 2005 quy định cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Tuy nhiên, cần lưu ý khoản 1 Điều 667 Bộ luật Dân sự quy định "Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế", tức sau khi người để lại di chúc qua đời. Do đó, tính tới thời điểm hiện tại thì tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của ông Dũng, chứ không thuộc quyền sở hữu của người con. Bên cạnh đó, theo Điều 662 BLDS thì di chúc vẫn có thể bổ sung, sửa đổi, thay thế, hủy bỏ bất cứ lúc nào. Do đó, tuyên bố của ông Dũng để lại khối tài sản cho con trai 1 tuổi hiện vẫn rất mong manh, bởi ông Dũng có quyền sửa đổi và hủy bỏ di chúc bất cứ lúc nào khi ông còn sống.
Cậu bé 1 tuổi trở thành chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Đại Nam. Về mặt pháp lý, sự "chuyển giao quyền lực" này có đúng luật và có hiệu lực không thưa ông?
Về vấn đề ông Dũng giao cho con trai 1 tuổi làm chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam thì tôi cho rằng việc này là không phù hợp với pháp luật Dân sự và pháp luật Doanh nghiệp. Cụ thể: Điều 21 Bộ luật Dân sự 2005 quy định "người chưa đủ sáu tuổi không có năng lực hành vi dân sự". Trong khi đó, Điều 110 luật Doanh nghiệp 2005 quy định một trong những yêu cầu bắt buộc của thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần là người đó phải có năng lực hành vi dân sự. Như vậy, việc ông Hữu tuyên bố trao chức chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho con trai 1 tuổi là không có giá trị pháp lý.
Bé Huỳnh Hằng Hữu.
Theo ông Dũng, khối lượng tài sản mà ông trao cho con sẽ có một hội đồng giám sát (HĐGS) để theo dõi và quản lý về mặt tài chính. Các thành viên của hội đồng này gồm ông Dũng, bà Hằng - vợ ông, cùng 7 nhân sự khác. Ngoài ra còn có hai nhân viên kế toán và một luật sư giám sát công việc này. Ở góc độ pháp luật, sự thành lập HĐGS này có được công nhận không, thưa ông?
Do hiện tại khối tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Dũng chứ không phải của cháu Hữu, nên việc lập Hội đồng giám sát để giám sát tài sản của cháu Hữu (thực tế là chưa có tài sản nào) chỉ là hình thức.
Theo Điều 45 luật Hôn nhân gia đình thì tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự thì do cha mẹ quản lý. Trường hợp người để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con "đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc những trường hợp khác theo quy định của pháp luật" thì cha mẹ không có quyền quản lý. Bên cạnh đó, bản chất di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân, nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Và theo Điều 648 Bộ luật Dân sự 2005 thì người lập di chúc có quyền chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản. Do đó, về mặt pháp luật thì việc thành lập HĐGS tài sản chỉ có giá trị sau thời điểm mở thừa kế và không vi phạm pháp luật.
Mục đích trao tặng là gì?
Cậu bé 1 tuổi, với chức danh chủ tịch HĐQT, theo sau là một HĐGS nghiêm ngặt về tài chính. Nhưng còn mọi công việc của công ty, mọi quyết định lớn nhỏ trong công ty này, theo luật sư, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm? Giả sử, công ty này vướng phải vấn đề liên quan đến luật pháp, nợ nần, thì sẽ phải truy cứu trách nhiệm ra sao, thưa luật sư?
Như đã phân tích ở trên, bé Huỳnh Hằng Hữu mới 1 tuổi - là người không có năng lực hành vi dân sự nên không thể làm chủ tịch Hội đồng quản trị. Do đó, quyết định trao chức chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty của ông Dũng cho con mình là không có giá trị pháp lý. Chính vì vậy về mặt pháp lý cũng như thực tế, thì ông Dũng vẫn là chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, và ông phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của chủ tịch Hội đồng quản trị quy định tại Điều 110, Điều 111 luật Doanh nghiệp 2005 và quy định tại Điều lệ công ty.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu.
Theo luật sư, việc làm của vợ, chồng ông Huỳnh Uy Dũng có vi phạm pháp luật về quyền trẻ em ra sao, khi "trao tặng" cho đứa trẻ mới chỉ 1 tuổi một trọng trách hết sức nặng nề như vậy? Nếu có đứa trẻ này cần làm gì để đòi lại những quyền lợi hợp pháp cho mình, cũng như có một tuổi thơ hồn nhiên, thưa ông?
Việc ông Dũng trao chức chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty là không phù hợp với pháp luật nên tuyên bố của ông Dũng là không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc làm này của ông Dũng không vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em cũng như không xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của đứa trẻ. Tuy nhiên, dù vợ chồng ông vẫn là người chịu trách nhiệm về mọi vấn đề của công ty, thì dư luận xã hội vẫn biết đến cậu bé như một "ông chủ nhỏ", với sứ mệnh cao cả là làm thiện nguyện từ khối lượng tài sản cha mình để lại. Về lâu dài, trách nhiệm xã hội mà cậu bé này phải gánh không hề nhỏ. Và việc cậu bé có hoàn thành nhiệm vụ, đúng như kỳ vọng của nhiều người không, vẫn còn là chuyện của tương lai rất xa.
Nhiều người e ngại rằng, sự kiện này sẽ trở thành một tiền lệ xấu cho giới nhà giàu sau này. Là một luật sư, ông có lời khuyên nào cho mọi người sau sự kiện này không?
Theo tôi, việc cha mẹ để lại tài sản cho con cái là điều hợp đạo lý và phù hợp với các quy định pháp luật. Mọi người trên thế giới này có lẽ hầu hết đều làm như vậy. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này hiện nay có nhiều trường hợp lợi dụng những sự việc tương tự như trên, để PR bản thân cũng như doanh nghiệp của mình. Tôi cho rằng trong trường hợp này thì mục đích trao tặng tài sản sẽ mang ý nghĩa không tốt. Đồng thời hành động này có thể sẽ tạo ra một tiền lệ không tốt, nếu nhiều người giàu có nào đó, lại thực hiện giống ông, lên báo tuyên bố rùm beng mình sẽ trao cả gia tài cho con khi còn quá sớm. Hoặc một việc nào đó tương tự thế này, nhưng chỉ nhằm mục đích PR với chiêu bài đánh tráo khái niệm, lợi dụng kẽ hở của pháp luật. Chúng ta cần sáng suốt trong việc đón nhận, chọn lọc mọi thông tin mà cuộc sống phức tạp ngày nay mang tới.
Xin cảm ơn ông!
Không thể nói bé Huỳnh Hằng Hữu là "tỷ phú 1 tuổi" Sau sự kiện đình đám này, phải chăng Huỳnh Hằng Hữu sẽ là "tỷ phú 1 tuổi" trẻ nhất Việt Nam? Như đã trình bày trên, ông Dũng chỉ thể hiện ý chí để lại tài sản của mình cho con trai trong di chúc, chứ không phải là hợp đồng tặng cho tài sản. Nên tới thời điểm hiện tại quyền sở hữu đối với khối tài sản trên vẫn thuộc về ông Dũng chứ không phải là của người con trai 1 tuổi. Do đó, không thể nói bé Huỳnh Hằng Hữu là "tỷ phú 1 tuổi" trẻ nhất Việt Nam. |
H.Lam (thực hiện)