Phát cuồng vì... con trai
Vụ việc đưa bé gái đi chuyển giới ở bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ mới đây đã trở thành tâm điểm của dư luận khắp thế giới. Theo thông tin điều tra, hàng ngàn bé gái còn rất nhỏ, ở độ tuổi từ 1-5 tuổi đã bị phẫu thuật để trở thành con trai với chi phí 150.000 rupee (tương đương 3.450 USD) cho mỗi lần thực hiện chuyển giới.
Sự việc gây phẫn nộ này chỉ bị lộ ra khi chính quyền bang Madhya Pradesh bắt đầu nghi ngờ việc rất đông các bé gái được đưa về thành phố Indore (Ấn Độ) để được "phẫu thuật". Theo đó, các bé gái được tạo hình dương vật từ các bộ phận của mình và tiêm hoóc môn nam để biến thành bé trai.
Tờ Hindustan Times đưa tin, 7 bác sĩ phẫu thuật ở Indore, mỗi người đã thực hiện 200-300 ca chuyển giới cho các bé gái. Những em bé này đều là con của những gia đình giàu có ở New Delhi và Mumbai. Các gia đình này tìm đến Indore bởi chi phí phẫu thuật chuyển giới nơi đây khá thấp và họ bất chấp những rủi ro có thể xảy đến cho đứa bé, miễn sao họ có được một đứa con như ý.
Các bé còn quá nhỏ để nhận thức nguy hiểm đến với mình.
Hiện tại, Ấn Độ đang đứng trước thực trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng do nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình giàu có trở nên khao khát một cậu con trai. Họ sẵn sàng phá bỏ thai nhi sau khi biết được đó là con gái bởi những lo ngại về chi phí kết hôn và các khoản hồi môn cho bé gái sau này. Chính vì vậy, số lượng bé trai ở Ấn Độ đang cao hơn bé gái khoảng 7 triệu bé.
Một sự chênh lệch khá lớn so với tiêu chuẩn dân số chung của thế giới. Hơn nữa, việc cha mẹ cho con gái mình chuyển giới, bất chấp ý muốn của bé và quy tắc đạo đức, chính là dấu hiệu rõ nhất của một "cơn cuồng" con trai đang gia tăng tại Ấn Độ. Các nhà vận động cho quyền của phụ nữ và trẻ em đã lên tiếng chỉ trích hành động này thể hiện sự xem thường phụ nữ và đe dọa tính mạng cũng như cuộc sống sau này của đứa trẻ.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội - nhà hoạt động hàng đầu chống lại nạn phá bỏ thai nhi nữ, bà Ranjana Kumari cảm thấy hết sức tuyệt vọng khi giáo dục không thể ngăn nổi tình trạng hắt hủi bé gái ngày một thấy rõ ở quốc gia này.
Bà Kumari cho biết: "Năm 2001, ở New Delhi, tỷ lệ sinh là 886 bé gái/1.000 bé trai. Đến nay số bé gái giảm xuống chỉ còn 866 bé. Dường như, những người càng giàu và càng có học lại càng hành động thiếu suy nghĩ và vô đạo đức nhiều hơn". Cũng theo bà, nhiều người không muốn chia sẻ tài sản hoặc không muốn đầu tư vào việc cho một bé gái đi học hay phải chuẩn bị của hồi môn cho cô dâu tương lai.
"Hành động này đáng bị lên án và coi khinh. Nó vi phạm vào quyền trẻ em một cách nghiêm trọng và phải bị luật pháp trừng trị". Theo bà, chính phủ cần phải giải quyết vấn đề bằng cách đề cao giá trị tinh thần của các bé gái hay người phụ nữ mang lại cho một gia đình trong văn hóa Ấn Độ giáo, đồng thời hỗ trợ phái yếu về tài chính và tạo công ăn việc làm cho họ.
Ấn Độ là đất nước coi trọng truyền thống, lấy con người làm trọng và đề cao các giá trị đạo đức con người. Sự việc chuyển giới cho trẻ đã làm dấy lên sự phẫn nộ khắp đất nước, lan rộng ra toàn thế giới. Đâu đâu cũng thấy người ta bàn tán về sự vô đạo đức của hành động thiếu nhân tính này nhưng tình trạng muốn có con trai vẫn tồn tại ở khắp nơi như một ý niệm đã ăn sâu vào tiềm thức của họ. Trước đây, khi nhắc tới Ấn Độ là người ta nghĩ ngay đến một quốc gia "trọng nam khinh nữ".
Trong một số cuộc nghiên cứu được tiến hành 20 năm gần đây tại quốc gia này, 10 triệu bé gái tại Ấn Độ đã bị chính cha mẹ mình giết bỏ hoặc trước khi sinh hoặc ngay khi vừa mới chào đời. Còn theo một báo cáo khác của Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố năm 2009 cho biết số bé gái được sinh ra tại Ấn Độ thấp hơn mức trung bình của thế giới đến 7.000 bé, đa phần do các bà mẹ phá thai sau khi biết giới tính con mình hoặc giết con khi đứa trẻ vừa ra đời.
Các bé gái không còn an toàn trong chính gia đình mình.
Hệ lụy của "có con như ý"
Các bé gái bị chuyển giới theo kiểu phẫu thuật Genitoplasty, một loại chỉnh hình hình tạo dương vật từ cơ quan sinh dục của bé gái, sau đó các bác sĩ sẽ tiêm hormone nam cho bé để biến chúng thành những bé trai thực sự, được giới y học chấp nhận.
Tuy nhiên, loại phẫu thuật này chỉ được thực hiện trong trường hợp bất khả kháng khi đứa bé sinh ra bị dị tật ở bộ phận sinh dục hoặc không rõ ràng về mặt giới tính. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ và các bác sĩ đã cố tình bỏ qua điều này, không quan tâm đến tình trạng thể chất của các bé gái để giúp những cha mẹ vô đạo đức tiến hành chuyển giới cho bé.
Chủ tịch Viện Nhi khoa Ấn Độ V.P.Goswami cho rằng, mặc dù lượng hormone tiêm vào cơ thể của trẻ khá lớn nhưng chưa chắc đã thay đổi được hoàn toàn giới tính của trẻ, điều này tác động rất xấu đến hành vi và tâm lý của trẻ sau này khi tiếp xúc với xã hội.
Thủ hiến bang Madhya Pradesh, ông Shivraj Singh Chouhan đã lập tức thành lập ủy ban gồm các chuyên gia để xem xét tính hợp pháp của các cuộc phẫu thuật diễn ra tại Indore. Đồng thời Ủy ban Nhân quyền Quốc gia và Ủy ban Bảo vệ quyền trẻ em Ấn Độ yêu cầu giới chức bang điều tra và trình kết quả trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, Hiệp hội Y khoa Ấn Độ đã kêu gọi chính phủ đều ra các quy định pháp lý nhằm quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động chuyển giới đang diễn ra rầm rộ tại nước này. Trước sự can thiệp của giới chức Ấn Độ, các bác sỹ tại Indore đã phản biện rằng, những bé gái được đưa tới đây chỉnh hình đều bất thường ở bộ phận sinh dục và cần được "phẫu thuật chỉnh sửa" gấp.
Hơn nữa, bác sĩ Brijesh Lahoti, người đã từng thực hiện các cuộc phẫu thuật chuyển giới trẻ em cũng trả lời với báo chí rằng ở Ấn Độ, một cuộc phẫu thuật kiểu như vậy hoàn toàn được phép nếu như có sự đồng ý của phụ huynh và có biên bản khai báo rõ ràng.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động tại địa phương khẳng định, các bác sĩ và cha mẹ của trẻ đã "thông đồng" với nhau để khai những bản tường trình thiếu chính xác, lấp liếm đi hành động "cãi lại mệnh trời" này.
Các nhà hoạt động xã hội lo ngại rằng, việc các cặp bố mẹ thay đổi giới tính của con gái mình chứng tỏ ngay cả sau khi ra đời thì các bé gái vẫn không hề an toàn trong gia đình mình. Họ cũng đã thừa nhận thất bại trong chiến dịch thay đổi nhận thức và thái độ của người dân trong quan niệm về con trai - con gái. Bà Kumari hết sức lo ngại khi xã hội càng phát triển, cuộc sống càng giàu có hơn thì càng nhiều bé gái bị bố mẹ ruồng bỏ hơn.
Hồng Nhung (Theo Telegraph/Global)