Việc tỉnh Bình Phước xem xét thu hồi quyết định cho phép thay đổi hộ tịch từ “anh” Phạm Văn Hiệp thành “chị” Phạm Lê Quỳnh Trâm đang gây nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng như thế là tước đi quyền được sống là chính mình của công dân?
TS Trần Thất, vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp - Bộ Tư pháp
TS Trần Thất: Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu Sở Tư pháp Bình Phước báo cáo việc này. Tôi cho rằng trước đây, khi đồng ý cho phép anh Phạm Văn Hiệp thay đổi hộ tịch, cơ quan tư pháp địa phương có lý do của họ. Tôi từng được mời dự nhiều hội thảo về người đồng giới, chuyển giới và song tính. Tại đó, tôi đều nói rằng cơ quan chức năng cần xem lại các quy định để bảo vệ nhóm người yếu thế trong xã hội. Luật pháp có những quy định mang tính cứng nhắc, nhiều yếu tố cảm tính của người xây dựng văn bản.
Chúng ta không phủ nhận rằng cũng có người, đặc biệt thuộc giới văn nghệ sĩ, đôi khi không phải nhưng cố gắng tạo ra vậy. Cũng có thể chính họ đã góp phần tạo ra định kiến cho người viết luật. Tuy nhiên, nếu từ định kiến với số ít đó mà ban hành luật với cả số đông thì thực sự không ổn. “Xác định lại giới tính” có nghĩa là trước đây xác định sai nên giờ xác định lại cho đúng, còn “chuyển đổi giới tính” thì lại được hiểu là từ cái đúng này chuyển sang cái đúng kia. Luật Dân sự có đề cập quyền xác định lại giới tính của công dân nhưng quy định hướng dẫn còn bó hẹp quá. Tôi cho rằng những người như Hiệp được quyền thay đổi giới tính nhưng các điều kiện còn hẹp và cứng nhắc, khó phù hợp thực tiễn.
Sau khi có báo cáo của Sở Tư pháp Bình Phước, chúng tôi sẽ nghiên cứu và có thể làm việc trực tiếp với Hiệp. Nếu thấy việc Hiệp thay đổi giới tính để có cuộc sống tốt hơn, là nhu cầu chính đáng thì chúng tôi sẽ kiến nghị giữ nguyên việc thay đổi hộ tịch trước đây.
Ảnh minh họa
Cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước nói việc thay đổi hộ tịch trước đây của anh Hiệp là trái quy định pháp luật, cụ thể là Nghị định 88/2008 về xác định lại giới tính của Chính phủ. Ông nghĩ sao?
Quy định do mình đặt ra để giúp cuộc sống tốt hơn. Cái gì có lợi cho người dân thì phải làm thôi. Pháp luật được xây dựng trên cơ sở thực tiễn cuộc sống thì không nên cứng nhắc bắt ép người dân sống bất tuân pháp luật.
Không chỉ chuyển giới mà cả nhóm người đồng tính, song tính gần như cũng chưa được pháp luật bảo vệ, bảo đảm quyền lợi?
Người chuyển giới, đồng tính, song tính đang tồn tại trong xã hội và là một thực tế mà pháp luật không thể lẩn tránh. Việc đưa ra quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của họ là cần thiết. Tuy nhiên, các quy định cũng không thể dễ dãi để nhiều người tìm cách lợi dụng. Điều đó cần có sự can thiệp của khoa học, y học để có thể xác định ngay ai thực sự là người chuyển giới, đồng tính.
Chuyện có chấp thuận hôn nhân đồng tính hay không cũng được đưa ra bàn trong buổi thảo luận mới đây tại Bộ Tư pháp về dự thảo Luật Hôn nhân - Gia đình sửa đổi. Để Quốc hội chấp thuận thông qua điều này thì cần một chặng đường dài nữa. Tuy nhiên, việc thay đổi quy định, giúp đỡ người chuyển giới được phép thay đổi hộ tịch thì tôi nghĩ rằng có thể làm sớm bởi gần đây, số người này không còn sống khép kín như trước nữa.
Trong một hội thảo về người chuyển giới, đồng tính mới đây, ông từng nói sẵn sàng giúp đỡ họ thay đổi thông tin hộ tịch?
Đến giờ tôi vẫn giữ lời. Người chuyển giới gặp khó hãy gọi tôi! Các bạn biết trường hợp nào đó đã xác định lại giới tính, chuyển giới mà gặp khó khăn trong việc xin xác nhận, thay đổi thông tin hộ tịch thì hãy nói họ tập hợp hồ sơ, thông tin liên quan rồi gửi tới tôi hoặc lãnh đạo Bộ Tư pháp. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, tìm cách giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Quy định bó hẹp Theo Nghị định 88/2008, chỉ xác định lại giới tính với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc chưa định hình chính xác, trên nguyên tắc bảo đảm mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình. Khuyết tật bẩm sinh về giới tính gồm: Nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ và lưỡng giới thật. TS Trần Thất cho rằng quy định như vậy còn bó hẹp, bởi theo các chuyên gia y tế, nhiều trường hợp nhiễm sắc thể giới tính có thể giống nữ lưỡng giới giả nam hoặc nam lưỡng giới giả nữ hay lưỡng giới thật nhưng bộ phận sinh dục chưa được biệt hóa hoàn toàn hoặc không thể xác định là nam hay nữ. Người khuyết tật bẩm sinh về giới tính ngoài nỗi đau bệnh tật còn phải gánh chịu áp lực ghê gớm từ dư luận xã hội. Do Việt Nam chưa có cơ sở đủ điều kiện kiểm tra, phẫu thuật và cấp giấy chứng nhận y tế về xác định lại giới tính nên hằng năm, rất nhiều người đã tìm sang Thái Lan với một số tiền không nhỏ. Theo ThS Lê Quang Bình, viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, viện đang cùng nhiều tổ chức phi chính phủ tiến hành điều tra xã hội học về những mong muốn của nhóm người yếu thế trong xã hội, trong đó có chuyển giới, đồng tính, song tính. “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chỉ quy định về quyền của công dân nam - nữ, trong khi nhiều nơi trên thế giới dùng khái niệm “quyền con người”. Quy định như trong dự thảo vô hình chung gạt ra ngoài quyền của người chuyển giới, liên giới tính” - ông Bình băn khoăn. |
Theo Người lao động