Cơm nắm, bánh mì và nhà trọ tập thể
Để kịp cho hành trình lễ đủ 9 chùa vùng Đông Bắc nên chúng tôi đã khởi hành từ 3h30 sáng. Đoàn chúng tôi khoảng hơn 50 người, đa phần là tín đồ đã quy y cửa Phật, và những phụ nữ làm nghề buôn bán. Lên xe, tôi thấy họ mang đủ nước uống, cơm nắm, xôi, bánh mì...
Cách Yên Tử 30km, trưởng đoàn, bà Nguyễn Thị Ch., một người bụng đầy bồ kinh phật là người tổ chức chuyến đi này, thông báo: "Cả xe dậy đi. Bây giờ mọi người ăn sáng trên xe. Lên Yên Tử còn phải leo núi rất nhiều. Chúng ta chỉ có 5 tiếng ở Yên Tử, sau đó sẽ tiếp tục đến những địa điểm khác". Mới hay, những khách hành hương quá quen với Yên Tử chuẩn bị đồ ăn, nước uống chu đáo đến mức nào. Dòng người đến Yên Tử vào ngày cuối tuần đông nghịt. Phải xếp hàng hơn hai tiếng, nhích từng bước chân chúng tôi mới đến được ga cáp treo lên chùa Hoa Yên, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông thuyết trình đạo Phật.
Người chen người nên tôi cũng chỉ biết đứng từ xa mà vái vọng. Nhưng du khách, ai cũng muốn đức Phật, thần thánh nhìn thấy mặt nên cố chen vào Tam bảo. Người cầm lễ bị chen đổ cũng chẳng dám cúi xuống nhặt. Tiền giọt dầu có hòm công đức nhưng du khách chẳng đặt tiền. Thôi thì, cứ tiện đâu thì đặt vào đó. Người này bỏ tiền vào lễ của người khác, có lẽ thần phật cũng chẳng biết lễ của ai mà phù hộ, độ trì!?
Lên đến chùa Đồng, đỉnh núi cao nhất thuộc quần thể Yên Tử, những đám mây vờn trên đầu, gió rít ngang tai, một bên là vực sâu nguy hiểm. Nơi đỉnh non thiêng ấy, người người chen lấn chỉ cốt đứng cho yên một lát để chắp tay lạy Phật một lạy. Ngôi chùa Đồng hoàn thành chưa bao lâu, nhưng đã có những khách hành thương thiếu ý thức khắc tên của mình lên đó.
Đua nhau lấy "nước tiên" ở chùa Cặp Tiên.
Từ Yên Tử, chúng tôi tiếp tục đi về phía đền, chùa Cửa Ông nơi thờ Đức ông Trần Quốc Tảng khi trời đã tối. Đoàn người hành hương nhận phòng trọ. Những ngôi nhà ở đây được sử dụng hết công năng thành phòng trọ khi mùa lễ hội đến. Khách ở phòng trọ tập thể với giá 35 ngàn đồng/người. Cứ để đồ vào phòng là chủ nhà đến thu tiền. Phòng trọ không có giường, tất cả khách hành hương cùng một đoàn, nam nữ ở cả chung một phòng lớn. Phòng trải chiếu, và những miếng đệm mỏng thành chỗ ngả lưng của khách. Thậm chí, phòng chật, khách được xếp ngủ luôn tại hành lang, lối cầu thang.
Một ngày bắt đầu lúc 3h sáng, đến 22h đêm nhưng thức ăn vẫn chỉ là đồ khô khó nuốt nên chị Hằng (Hà Đông- Hà Nội) đã bị tụt huyết áp. Chỉ khi ăn được bát cháo ngao nóng thì chị này mới khoẻ lại. Đêm ngủ, muỗi vo ve, phòng ngủ chẳng có cửa, ai cũng nơm nớp lo mất trộm nên giấc ngủ đến chập chờn. Sáng ra, chỉ những người trả 80-100 ngàn để được ở phòng chung có giường, có khoá trông đỡ hốc hác, còn những "đệ tử" của phòng tập thể sau một đêm đã như đội quân thất trận!
Qua những người đi hành hương nói chuyện, tôi được biết có những người đứng ra tổ chức phật tử hành hương đầu năm như để kinh doanh. Đi lễ một ngày tại Hải Phòng, bà T. (Hà Đông- Hà Nội) tổ chức với 200 người đăng ký tham gia. Mỗi người nộp 300 ngàn đồng tiền xe, 70 ngàn đồng tiền sắm lễ, viết sớ. Thuê 4 xe, bà T. chỉ trả 20 triệu đồng, còn 40 triệu đồng bà bỏ túi. Đầu năm, bà T. tổ chức vài chuyến đi lễ như vậy cũng bỏ túi cả trăm triệu đồng. Bà Ch. cho rằng, làm như vậy là "ăn chặn" khách hành hương, không đúng với người theo Phật làm phúc.
Đức tin hay tâm lý đám đông?
Trong chuyến đi, tôi được biết đến chị Lâm H., một đại gia của Hà Tĩnh. Chị H. có trang trại, nhà cửa, đất đai có hàng chục cái ở Hà Nội và TP. HCM. Giàu có, tiền tiêu không hết nhưng chị vẫn đi hành hương theo con đường gian khổ.
Chị là người có đức tin, người ngoại đạo như tôi coi chị là quá tín (thậm chí là mê tín). Chị kể: "Năm trước, tôi đi lễ Yên Tử qua suối Giải Oan. Có vài ấm ức trong lòng, nghe nói bước chân qua suối sẽ tiêu tan, tôi cũng làm như vậy. Nhưng sai lầm của tôi, lại là nhặt một viên đá cuội ở suối mang về nhà. Chẳng biết có phải đó là xui xẻo hay không nhưng cuối năm qua chồng tôi đau bụng nhiều, đi khám, bác sỹ kết luận bị ung thư dạ dày. Hôm nay, tôi đi chùa Giải Oan làm lễ để trả lại suối viên đá".
Tôi không tin chuyện mang viên đá về mà bị "thánh vật" như vậy. Nhưng từ lâu, người lễ phật hành hương vẫn truyền tai nhau câu chuyện mang màu sắc liêu trai ở suối Giải Oan, nơi những vong hồn của cung nữ chết oan khi nhận lệnh khuyên Thượng hoàng Trần Nhân Tông hồi cung không xuất giá. Chị H. chắc cũng tin vào truyền thuyết như vậy, nên khi việc không lành, chị mang đá đến trả.
Vậy là, trong niềm mong ước của người đi lễ phật vẫn ngầm định một điều "mặc cả" với thánh thần. Điều này, tôi thấy rõ hơn khi chứng kiến một người đàn bà phốp pháp khấn lạy trước đền Cửa Ông. Bà nói bô bô, liến thoắng khiến người ngoài không muốn nghe cũng buộc phải thấy: "Con làm việc ở Quận uỷ Cầu Giấy- Hà Nội... con xin Đức ông phù hộ cho cháu... năm nay thi đỗ đại học". Bà này cầu rất nhiều thứ, rồi lấy trong túi ra đồng tiền âm- dương miệng khấn: "Mong Đức ông chứng giám. Nếu ngài chấp thuận, hiển linh, cho con nhất âm, nhất dương". Bà cứ ngồi một mình trên sập trước Tam bảo, xin âm dương vài lần liền. Và khi được "nhất âm, nhất dương" theo đúng mong ước mới cúi lạy Đức ông.
Còn tại chùa Cặp Tiên thờ Cô bé Cửa Suốt, sau khi đi lễ các cửa, khách hành hương đến xin "nước tiên". Đó là một nguồn nước, chảy ngầm từ trong núi ra. Nước trong vắt nằm trong mỏm núi tiếp giáp với đường đi được Ban quản lý di tích xây vòng lại. Giữa cái nắng nóng, được uống hớp nước từ trong suối lọc qua tầng tầng lớp lớp đá vôi quả là mát ruột. Chắc mạch nước gần chùa Cặp Tiên nên nó được gọi là "nước tiên". Người người thi nhau xuống xin nước vào chai rồi lên đền lễ, coi đó là nước thánh. Có người bảo, uống nước khoẻ ra, người thì bảo rửa mặt sẽ sáng mắt, sáng lòng. Thôi thì đó là đức tin, ai tin thế nào cũng được. Niềm tin ấy, nói theo TS. Trịnh Hoà Bình (viện Khoa học Xã hội Việt Nam) thì, nó chẳng ảnh hưởng gì đến ai. Việc lấy nước là do tâm lý đám đông, thấy một người lấy thì nhiều người khác cũng lấy nước. Nguồn nước suối được giữ sạch uống vào không đau bụng vậy là tốt rồi.
Có lẽ người được "ăn lộc" ở chùa Cặp Tiên phải kể đến người bán can, bán chai ở gần suối. Giá bán cứ 20 ngàn đồng/cái can 2 lít, 5 ngàn đồng/cái chai 1 lít. Một ngày, vợ chồng anh này bán cả ngàn cái chai, cái can và mỗi chiếc lãi từ 4000-16.000 đồng, quả là siêu lợi nhuận. Dù sao những người "ăn mày cửa Phật" có bắt chẹt du khách mỗi người một ít như vậy còn chấp nhận được. Nhưng khi về đến Kiếp Bạc, tôi được "cúng lừa" mới bực mình. Khi chắp tay khấn trước đức Thánh Trần tại đền thờ Kiếp Bạc, một người phụ nữ nói đọc tên gia đình chị ta khấn hộ chỉ 10.000 đồng thôi. Tôi đọc tên, chị khấn vài câu chẳng có đầu đuôi rồi đòi thêm 50 ngàn đồng tiền sớ lát nữa sẽ hoá. Tôi cũng đành mất thêm tí tiền, miễn sao êm chuyện. Thấy bở, nên đào, chị đưa một mảnh vải có dấu đỏ và bảo phải đưa 200 ngàn đồng- đó là tiền ấn. Lần này, tôi kiên quyết không lấy ấn, bởi chỉ đền Trần mới có chuyện phát ấn, xin ấn. Biết ép không được, chị ta buông những lời ám quẻ, xúi quẩy rồi quày quả đi... cúng hộ người khác. Thực tế, có nhiều du khách đã bị mắc "cúng lừa" nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
GS. Trần Lâm Biền, chuyên gia nghiên cứu văn hoá tín ngưỡng, cho rằng: "Văn hoá tín ngưỡng đang được hiểu không đúng nên có lắm chuyện bi hài. Người ta đi lễ chùa, lễ Phật cầu nguyện nhiều điều lắm. Thậm chí có người còn "mặc cả", giao nhiệm vụ cho thần thánh. Thói quen hối lộ trên trần thế, theo người đi lễ thâm nhập làm ô danh nơi cửa Phật thanh tịnh". |
Nguyễn My