Đặc biệt, hai trong ba đề xuất đó lại được các đại biểu là doanh nhân thực hiện. Đó là bà Đặng Thị Hoàng Yến với dự án luật bảo vệ quyền riêng tư, và đại biểu Nguyễn Minh Hồng với dự án luật nhà văn.
Đối với đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến, người nữ doanh nhân đã từng đối mặt với chuyện tố cáo, nghi ngờ tư cách ĐBQH, đây là một bước đi quan trọng để khẳng định tính chuyên nghiệp của mình. Trước đó, bà đã ủy nhiệm cho một văn phòng luật sư xử lý những tranh cãi liên quan tới những thông tin đời tư của bà xuất hiện trên một số tờ báo.
Từ trái qua phải: đại biểu Nguyễn Minh Hồng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến
Tuy nhiên, mục đích của đại biểu là thành viên của Ủy ban Giáo dục Quốc hội không chỉ dừng ở đó. Bà mong muốn dự án luật này phải cụ thể hóa quyền của công dân được ghi trong Hiếp pháp, nhưng chỉ được điển hóa một phần tại Bộ Luật Dân sự, Luật Giao dịch Điện tử, hay Luật Báo chí. Đó là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền được đảm bảo an toàn và bí mật đối với thư tín, điện tín...
Để củng cố thêm cho lập luận của mình, đại biểu này cho biết qui định tại Khoản 4, Điều 10, Luật Báo chí là "Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân" là quá chung chung, không có chế tài cụ thể...
Chắc hẳn, đề xuất này của đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến sẽ nhận được sự đồng tình của nhiều cử tri làm trong ngành giải trí và kinh doanh, khi những thông tin đời tư bị tiết lộ ảnh hưởng trực tiếp tới hình ảnh và công việc làm ăn của họ. Và chắc hẳn, nguồn kinh phí huy động từ các nhà tài trợ mà đại biểu này đề xuất cũng chủ yếu dựa vào hai đối tượng này.
Nhưng không chỉ có vậy. Người viết tin rằng dự án luật này sẽ nhận được sự ủng hộ của các giới khác trong xã hội, nhất là trí thức và văn nghệ sĩ - những người có thể ý thức được rõ ràng nhất câu nói nổi tiếng của nhà chính trị họ Mỹ Rhoda Howard mà đại biểu này đã dẫn ra là "Nếu không có sự riêng tư, một người không thể phát triển được ý thức rằng cá nhân của con người là một giá trị thực chất mô tả vai trò xã hội của người đó".
Hơn nữa, với quyền riêng tư được bảo vệ, như khẳng định trong Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một thành viên, xã hội Việt Nam sẽ tiến thêm một bước quan trọng nữa trên con đường tiến tới sự "công bằng, dân chủ, văn minh" - mục tiêu được khẳng định trong mọi chủ trương, chiến lược phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Một quyền công dân khác, được ghi trong Hiến pháp, cũng đã được một đại biểu quốc hội khác đề xuất trong một dự án luật. Đó là dự án luật biểu tình, do đại biểu Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng Chính phủ) đề xuất.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh, mà theo đại biểu Dương Trung Quốc là "khi chúng ta không có luật thì Nhà nước không điều chỉnh được hoạt động gọi là tự phát của người dân, người dân cũng không biết hành xử thế nào cho đúng."
"Trong khi đó, xã hội nảy sinh không ít vấn đề mà người dân thấy có nhu cầu bày tỏ thái độ của mình", đại biểu Dương Trung Quốc nhận xét. Tuy nhiên, ông không nêu rõ những vấn đề nảy sinh đó là gì, chắc hẳn với một tiền giả định là ai cũng hiểu điều ông muốn ám chỉ.
Được biết, trước đó đại biểu Dương Trung Quốc cũng từng đưa ra đề xuất này trước Quốc hội, nhưng chưa nhận được sự ủng hộ cần thiết.
Để tăng thêm tính thuyết phục cho đề xuất của người đồng nghiệp tại quốc hội, ông Dương Trung Quốc đã đưa ra một dẫn chứng quan trọng. Đó là sau Cách mạng Tháng Tám, khi Hiến pháp còn chưa được soạn thảo và ban hành, tháng 9.1945 Hồ Chủ tịch đã ký ban hành sắc lệnh về quyền biểu tình.
Những người lạc quan nhìn nhận đây là một cơ hội để người dân thể hiện trách nhiệm công dân của mình, khi bản dự thảo được đưa ra lấy ý kiến, và quốc hội, nhất là ủy ban pháp luật, thể hiện khả năng bản lĩnh của mình trong quá trình thẩm định và thông qua nó.
Theo Tuần Việt Nam