Mới đây, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, nội dung về việc bỏ sổ hộ khẩu khi luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2021 được đưa ra thảo luận. Việc bỏ sổ hộ khẩu vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nên chưa chốt được tiến độ cuối cùng.
Liên quan đến câu hỏi bao giở bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mà dư luận đặc biệt quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến tán thành việc thay đổi phương thức quản lý cư trú mới. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về thời điểm có hiệu lực thi hành của luật từ ngày 1/7/2021 vì cho rằng không đủ thời gian để bảo đảm các cơ sở dữ liệu liên quan và vận hành ngay được trên thực tế. Do ý kiến còn khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án.
Phương án 1: Có quy định chuyển tiếp. Theo đó, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31/12/2022. Thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú là thông tin gốc, cơ quan đăng ký cư trú sẽ không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Phương án 2: Nhất trí với đề nghị của Chính phủ, chuyển hoàn toàn việc quản lý cư trú sang phương thức mới từ ngày Luật có hiệu lực thi hành và không cần có quy định chuyển tiếp, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành là từ ngày 1/7/2021.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung nghiêng về phương án cồn có quy định chuyển tiếp. Theo bà Dung, quy định chuyển tiếp như vậy sẽ thuận lợi cho người dân, đảm bảo lấy người dân là đầu tiên để phục vụ. Đặc biệt, việc duy trì sổ hộ khẩu không ảnh hưởng đến phương thức quản lý mới mà chỉ đồng hành trong một thời gian nhất định.
“Nói như vậy không có nghĩa là tôi không đồng tình, không ủng hộ phương pháp quản lý mới nhưng việc còn duy trì sổ hộ khẩu này không ảnh hưởng tới phương pháp quản lý mới mà chỉ là đồng hành trong một thời gian nhất định khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo luật Căn cước công dân lẽ ra phải có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 đến nay Thủ tướng mới phê duyệt để cấp thẻ căn cước công dân”, bà Dung nói.
Bà Trần Thị Dung cũng cho rằng, khi có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rồi, về cư trú rồi, vấn đề kết nối trong ngành công an thực hiện được còn các bộ, ngành khác thì sao? Đây là vấn đề chúng ta phải lường đến để làm sao người dân thực hiện được một cách thuận lợi nhất.
Một số ý kiến chuyên gia đồng tình với quan điểm của bà Dung và cho rằng nên lưu hành song song việc có sổ hộ khẩu đến cuối tháng 12/2022 là phù hợp. Nếu bỏ ngay, e rằng khó khăn cho người dân trong quan hệ dân sự với cơ quan Nhà nước, công quyền. Họ không nắm được mà đòi hỏi xác nhận thì sẽ phiền hà.
Trao đổi với PV, TS.Trần Thất, nguyên Vụ trưởng vụ Hành chính tư pháp của bộ Tư pháp ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: Khi chuyển đổi hình thức quản lý từ hộ khẩu sang mã số định danh, chúng ta đã có lộ trình và cần thời gian chuyển tiếp. Trong thời gian chuyển tiếp đó, vẫn sử dụng giấy tờ, tài liệu liên quan đến sổ hộ khẩu, dần dần mới thay đổi sổ hộ khẩu bằng mã số định danh. "Cái quan trọng nhất hiện nay phải thay đổi tư duy quản lý của các cơ quan Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực thủ tục hành chính thì mới mong bỏ được sổ hộ khẩu. Chứ vấn đề mấu chốt lại không phải là các công cụ quản lý thay thế. Vậy nên bỏ sổ hộ khẩu không khó như chúng ta nghĩ. Bởi sự thật đã chỉ ra việc quản lý bằng sổ hộ khẩu đã quá lỗi thời, không cần thiết thậm chí là trở ngại cho quá trình sinh sống, lao động và các quyền, lợi ích của người dân. Các ngành phải hoàn thiện nghĩa vụ của mình", TS. Trần Thất nói.
Ở phía cơ quan chủ trì soạn thảo luật, Thứ trưởng bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc lại có ý kiến khác. Ông Ngọc đề nghị chỉ nên quy định một phương án như nội dung do Chính phủ trình Quốc hội, là sẽ bỏ sổ hộ khẩu khi luật Cư trú (sửa đổi) chính thức có hiệu lực, không có quy định chuyển tiếp là được sử dụng đến hết ngày 31/12/2022.
Cung cấp thêm thông tin liên quan đến tình hình xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp mã số định danh cá nhân để các đại biểu yên tâm, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết dự án đã được Thủ tướng phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó xác định thời gian thực hiện dự án là đến năm 2021. Bộ Công an khẳng định sẽ đưa vào vận hành chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 1/7/2021 và đáp ứng được yêu cầu quản lý cư trú đối với công dân.
Về lập số định danh cá nhân, bộ Công an dự kiến đến tháng 12/2020, việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam sẽ hoàn thành.
Băn khoăn về quy định chuyển tiếp, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu vấn đề: Mặc dù bộ Công an đã quyết tâm thực hiện từ 1/7/2021, lập tức bỏ sổ hộ khẩu giấy nhưng theo thống kê thì hiện nay có 27 loại giấy tờ về hộ khẩu liên quan đến nhiều ngành, trong thời gian từ nay đến lúc đó thì sửa đổi các quy định này có kịp không? "Tôi đề nghị cần có thời gian lưu hành đồng thời sổ hộ khẩu và căn cước công dân, ít nhất đến cuối năm 2022 để các ngành, các lĩnh vực có liên quan nếu chưa thay đổi kịp thì người dân vẫn có quyền giao dịch bằng sổ cũ, tránh gây phiền hà cho dân", ông Hòa bày tỏ.
Hương Lan